Hội nghị Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (22/01/2019)
Tin tức

Hội nghị Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (22/01/2019)

24/01/2019 - 4010 lượt xem

Ngày 22/01/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự phối hợp và hỗ trợ của Chương trình Đối tác Chiến lược Ốtxtrâylia – Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 (ABP2) tổ chức Hội nghị Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 và giới thiệu Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội nghị do TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chủ trì. 

Ảnh 1:  TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, sau 5 năm triển khai, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống và được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Nghị quyết 19 được ban hành hằng năm đều cải tiến, đổi mới và tiếp nối các Nghị quyết 19 trước đây. Mới đây, ngày 01/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.  Hội nghị là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm và kết quả trong triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trao đổi, nhận diện về các rào cản của môi trường kinh doanh. Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.

Ảnh 2:  Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày tại Hội nghị

 

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM)  cho biết Nghị quyết 19 được ban hành hằng năm bắt đầu từ năm 2014 và có tính kế thừa, điều chỉnh bổ sung để phù hợp với cơ chế, chính sách và gắn trách nhiệm của các bộ, ngành với các chỉ tiêu cụ thể. Qua 5 năm thực hiện, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương rất tích cực và có sự lan tỏa, mở rộng. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện về điểm số và thứ hạng, so với năm 2015 tăng 21 bậc. Có 6 chỉ số tăng hạng, gồm: tiếp cận điện năng tăng 108 bậc, lên thứ 37; nộp thuế và bảo hiểm tăng 42 bậc; bảo vệ nhà đầu tư tăng 28 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 21 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 4 bậc; cấp phép xây dựng tăng 1 bậc. Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 26 bậc với 6/7 chỉ số tăng hạng.

Tuy nhiên, có 04 chỉ số giảm bậc, gồm: đăng ký tài sản giảm 17 bậc; Thương mại qua biên giới giảm 7 bậc theo cách tính cũ, giảm 25 bậc theo cách tính mới; giải quyết tranh chấp hợp đồng giảm 15 bậc; phá sản doanh nghiệp giảm 29 bậc. Đây là hai chỉ số đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cấp trình độ kinh tế thị trường của Việt Nam vì nếu không tập trung cải thiện hai chỉ số này, nếu chỉ loanh quanh bãi bỏ một số thủ tục, thì không thể vượt ngưỡng cần có để lọt vào ASEAN 4.

.

So sánh về môi trường kinh doanh của Việt Nam và ASEAN cho thấy, thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam còn thấp. Việt Nam hiện đứng thứ 69 thế giới và đứng thứ 5 trong ASEAN, cách xa so với Xinh-ga-po (đứng thứ 2), Ma-lai-xi-a (thứ 15) và Thái Lan (thứ 27).

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc cải cách điều kiện kinh doanh chủ yếu được tập trung vào các vấn đề được doanh nghiệp phản ánh thường xuyên, liên tục, còn các chỉ tiêu gián tiếp chưa chú trọng cải thiện. Một số chỉ tiêu không có chuyển biến. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ và chưa chủ động. Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất, thái độ của cán bộ, công chức thực thi vẫn còn nhiều vấn đề...

 Nghị quyết 02/CP được ban hành nhằm mục tiêu tổng quát nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập cũng như giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4 và mục tiêu cụ thể là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Nghị quyết số 02/NQ-CP đưa ra 71 mục tiêu cụ thể và được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.

Trong năm 2019, tập trung cải cách thực chất cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách quản lý chuyên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công mức 4 cũng như phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng, Bà Tống Thị Hạnh cho biết Bộ Xây dựng đã nhận thức rõ trách nhiệm thực hiện Nghị quyết 19 hằng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng  trong những năm gần đây môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, về cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn nặng về đơn giản, cắt giảm chưa mạnh mẽ, quyết liệt. Về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều thách thức. Cải cách tư pháp còn nhiều khó khăn. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại các địa phương vẫn còn lúng túng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng nhưng cần có sự đột phá….

Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty An Đô cho rằng chủ trương Chính phủ đề ra là phải theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, tốc độ chuyển biến của các ban, ngành còn rất chậm. Cụ thể một số rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải như: thủ tục kiểm tra chuyên ngành; doanh nghiệp phải nộp hồ sơ giấy trong khi thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai từ lâu; thủ tục hoàn thuế rất chậm,...

Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia, Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho rằng, việc kiểm tra chuyên ngành nên quy về một đầu mối và thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro để tạo thuận lợi cho DN và bám sát hơn với thông lệ quốc tế.

TS  Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng  kinh nghiệm thực hiện các phiên bản nghị quyết 19 cho thấy, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nào vào cuộc, thì các chỉ số liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành đó được cải thiện nhanh chóng vì thế kiến nghị Chính phủ, nếu chỉ số nào không đạt được yêu cầu là do trách nhiệm của bộ trưởng, thì phải xét trách nhiệm của người đứng đầu./.

 

Tài liệu tham khảo tại thư viện CIEM

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu.

 


Tin tức khác