Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và Triển vọng 2019-2020: Vận hội mới - Yêu cầu mới” (17/01/2019)
Hội thảo

Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và Triển vọng 2019-2020: Vận hội mới - Yêu cầu mới” (17/01/2019)

18/01/2019 - 3635 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình “Ôxtrâylia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2018 và Triển vọng 2019-2020: Vận hội mới - Yêu cầu mới”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM,Giám đốc Quốc gia Chương trình Aus4Reform chủ trì. 

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết,đến nay có rất nhiều báo cáo và hội thảo về kinh tế vĩ mô đã được thực hiện; đây là nhiệm vụ của CIEM thực hiện hàng quý, hàng năm. Báo cáo này nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018; Đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2019, với ý kiến phân tích có độ sâu của chuyên gia. TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ hy vọng năm 2019 nền kinh tế đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các mặt.

Ảnh 2: Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Nguyễn Anh Dương giới thiệu tóm tắt nội dung báo cáo tại Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu,Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Nguyễn Anh Dương giới thiệu tóm tắt nội dung báo cáo “Kinh tế Việt Nam 2018 – 2019: Chuyển biến, triển vọng và một số vấn đề”. Theo đó, GDP quý IV tăng 7,31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, nhưng cao hơn so với quý II-III. Tốc độ tăng GDP cả năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng ở quý thứ 6 liên tiếp trong chu kỳ tăng trưởng.Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân là khoảng 3,88%. Ông Dương cũng đi sâu vào hai vấn đề có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam năm 2019, bao gồm cách thức thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019 và ứng xử với diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ  - Trung Quốc ở các kịch bản khác nhau.

Ảnh 3: Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo cũng phân tích những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và mức độ sẵn sàng tham gia của Việt Nam. Qua đó, kết luận rằng Việt Nam có điều kiện và có lợi ích to lớn trong việc tham gia cách mạng công nghiệp 4.0. Việc tham gia nhanh hay chậm sẽ quyết định tốc độ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đạt được năng suất cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn và mức độ thịnh vượng lớn hơn. 
Ông Nguyễn Anh Dương cho biết, từ việc phân tích hiệu quả đầu tư trong giai đoạn 2011-2016 của các thành phần kinh tế, báo cáo chỉ ra những nguyên nhân tại sao khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp khiêm tốn vào GDP. Đồng thời, với cách tiếp cận ước tính thặng dư sản xuất theo phương pháp thu nhập, báo cáo nhận định đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng thấp nhất. Từ đó, khuyến nghị song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới. 

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tham dự Hội thảo đều đánh giá cao báo cáo. Tuy nhiên, một số ý kiến kiến nghị phân tích thêm về phong trào khởi nghiệp, những nỗ lực cải cách thể chế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?, v.v../.

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện CIEM

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu (CIEM).

 

 


Tin tức khác