Tọa đàm “Mô hình kinh doanh bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam” (26/11/2018)
Tin%20t%E1%BB%A9c

Tọa đàm “Mô hình kinh doanh bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam” (26/11/2018)

27/11/2018 - 3340 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án CIEM- GIZ, chiều ngày 26/11/2018, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Mô hình kinh doanh bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam”. Buổi Toạ đàm do ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, việc khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh bền vững đối với cộng đồng kinh doanh là một yêu cầu tất yếu và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Ảnh 1: Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc buổi Toạ đàm

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Trịnh Đức Chiều – Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) trình bày các nội dung chính của báo cáo. Theo đó, Báo cáo gồm 4 phần: (1) Tổng quan về Mô hình kinh doanh bền vững và kinh nghiệm quốc tế; (2) Một số mô hình kinh doanh bền vững ở Việt Nam; (3) Nhận xét và một số bài học kinh nghiệm; và (4) Một số khuyến nghị.

Trong phần I, báo cáo đã tổng quan về một số mô hình kinh doanh bền vững tiêu biểu trên thế giới tiêu biểu như: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, mô hình doanh nghiệp xã hội, mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình quản trị tích hợp.

Ảnh 2: Ông Trịnh Đức Chiều – Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) trình bày báo cáo

Trong phần thực trạng mô hình kinh doanh bền vững ở Việt Nam, báo cáo đã đưa ra một số mô hình tiêu biểu đã hình thành tại Việt Nam, phân tích những ưu điểm, tồn tại và hạn chế của mô hình kinh doanh bền vững ở Việt Nam. Đồng thời, chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến phát triển mô hình này.

Thông qua việc phân tích kinh nghiệm quốc tế, báo cáo đã đưa ra một số bài học cho Việt Nam như: đặc trưng và trình độ của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế là những yếu tố rất quan trọng trong việc quyết định lựa chọn mô hình kinh doanh bền vững phù hợp; doanh nghiệp cần tìm hiêu và áp dụng mô hình phù hợp với thực tiễn kinh doanh của mình; v.v…

Để thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam, báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị, cụ thể như: cần nghiên cứu và đưa ra những quy định pháp lý phù hợp, đặc biệt là báo cáo bền vững của doanh nghiệp; cần xây dựng các mục tiêu và các chỉ số hoạt động chính gắn với mục tiêu phát triển bền vững; cần xác định các cơ hội và rủi ro cho doanh nghiệp do phát triển bền vững đem lại; v.v…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá báo cáo chứa nhiều thông tin hữu ích và có giá trị tham khảo tốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng báo cáo cần bổ sung thêm phân tích về môi trường kinh doanh, cụ thể là công cụ và chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại bố cục của báo cáo và chia thành từng nhóm giải pháp chính sách cụ thể.

Kết thúc buổi Toạ đàm, ông Phan Đức Hiếu cảm ơn phần trình bày của diễn giả và ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biệu tham dự buổi Toạ đàm. Phó Viện trưởng yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp và sớm hoàn thiện báo cáo./.

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác