Hội thảo "Quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất" (22/11/2018)
Tin tức

Hội thảo "Quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất" (22/11/2018)

23/11/2018 - 3584 lượt xem

Tích tụ và tập trung ruộng đất tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng; đang được Chính phủ từng bước thể chế hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Để có thêm thông tin kiến nghị hoàn thiện chính sách thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất nhanh hơn, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của hộ nông dân, ngày 22/11/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo "Quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất". Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu và tổ chức sản xuất theo hướng quy mô hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng ban phụ trách ban Chính sách Phát triển nông thôn (CIEM) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày những nội dung chính của Báo cáo “Quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất: Thực trạng và kiến nghị”. Theo đó, Báo cáo gồm 3 phần: (1) Cơ sở lý luận về quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất; (2) Thực trạng quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất; và (3) Một số kiến nghị về giải pháp nâng cao quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Hữu Thọ - Phó Trưởng ban phụ trách ban Chính sách Phát triển nông thôn (CIEM) trình bày báo cáo

TS. Thọ cho biết trên toàn quốc, nhu cầu sử dụng đất của các hộ nông dân giảm khá nhiều với 42.000 hộ ở hơn 20 tỉnh, thành đã bỏ ruộng. Tuy nhiên, mức độ tập trung ruộng đất còn rất thấp, chủ yếu là 2 ha mỗi hộ, phổ biến theo hình thức hộ này tự thuê đất của hộ khác. Mỗi tỉnh trung bình chỉ có 3-7 doanh nghiệp thuê đất của dân theo cơ chế thị trường.

Theo khảo sát tại 3 địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất là Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, hơn 53% hộ nông dân mong muốn cho thuê đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đó số hộ có nhu cầu thuê chỉ 10%. Khảo sát cũng cho thấy, lợi ích khi bán quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ chuyển nhượng (bán ruộng) là có thời gian làm việc khác; có tiền làm việc khác; bớt các khoản nộp theo đầu sào; v.v... Tuy nhiên các hộ này cũng lo lắng về việc sử dụng tiền bán đất không hiệu quả; không còn tài sản cho con cháu, v.v... Đối với hộ nhận chuyển nhượng (mua ruộng) thì sẽ có thêm đất dể mở rộng sản xuất; có cơ hội khi đất lên giá, thêm tài sản; v.v... Tuy nhiên, các hộ này cũng lo lắng về việc càng làm nhiều càng lỗ; khi bị thu hồi giá bồi thường thấp; lo tranh chấp vì thủ tục đất đai.

Theo TS. Thọ, tích tụ và tập trung ruộng đất mang lại lợi ích cho cả hộ nông dân và donh nghiệp nhưng quá trình thực hiện diễn ra vẫn chậm, quyền và lợi ích chưa cao. Nguyên nhân là do thiếu sự đồng nhất về nhận thức; định hướng trong chính sách chưa thay đổi kịp so với xu hướng sử dụng đất của hộ nông dân hiện nay; hạn chế số lượng đất được tích tụ ở hộ gia đình; v.v… Để đảm bảo nâng cao quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất, báo cáo đề xuất một số nhóm giải pháp liên quan đến nội dung chính sách và tổ chức triển khai chính sách.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo 

Đồng tình với các kiến nghị của nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải có các giải pháp để thúc đẩy tích tụ ruộng đất và điều đầu tiên là phải linh hoạt trong việc quản lý mục đích sử dụng đất và thu hẹp diện tích các loại đất. Khi nông dân chuyển nhượng đất thì họ phải chuyển đổi được ngành nghề để tạo sinh kế mới và có thu nhập lâu dài hơn. Rõ ràng, việc phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp cũng là một vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, để thu hút lực lượng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp thì cần phát triển mạnh hơn các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, du lịch... Đồng thời, phải đào tạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, nghĩa là phải tiếp cận một cách tổng thể./.

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác