Toạ đàm tham vấn về “Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia” (31/10/2018)
Ti%C3%AAu%20%C4%91i%E1%BB%83m%20tin

Toạ đàm tham vấn về “Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia” (31/10/2018)

01/11/2018 - 3101 lượt xem

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc xây dựng đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại công văn số 7130/VCPP-KGVX ngày 27/7/2018 và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 31/10/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức buổi Tọa đàm tham vấn về “Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia”. Buổi toạ đàm do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết các trung tâm đổi mới sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân, khuyến khích tinh thần sáng tạo trong doanh nghiệp và người dân. Mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới ở Việt Nam, góp phần nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia một cách căn bản, đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Đặng Quang Vinh - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết các trung tâm đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế và chưa lọt vào các bảng đánh giá, xếp hạng trên thế giới. Trong 10 năm qua, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của Việt nam chưa tạo ra một công ty tỷ đô nào.

Ảnh 2: TS. Đặng Quang Vinh - Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày báo cáo

Do đó, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) được thành lập với mục đích là trung tâm vận hành hệ sinh thái công nghiệp 4.0 nhằm thực hiện các chức năng nhiệm vụ như: giới thiệu, tư vấn chuyển giao công nghệ; cho thuê mặt bằng trọn gói cho các dự án startup và các doanh nghiệp công nghệ; đào tạo, tư vấn công nghệ; và đầu tư góp vốn kinh doanh, trực tiếp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới; v.v... Dự kiến trong giai đoạn đầu, NIC sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như Nhà máy thông minh; Thành phố thông minh; Công nghiệp nội dung số; và Công nghiệp an ninh mạng.

Về hình thức đầu tư, báo cáo đề xuất thành lập dưới hình thức doanh nghiệp xã hội, 100% vốn tư nhân và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. NIC có quy mô dự kiến là 23ha nằm trong khu công nghệ cao Hoà Lạc và có mặt bằng xây dựng là 90 nghìn m2 sàn. Vốn đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng (tương đương 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 200 tỷ là vốn lưu động.

Ảnh 3: Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Trong phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng NIC nên được xây dựng theo mô hình mở, không gian mở dạng mạng và không mang nặng tính hành chính.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày của diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Viện trưởng Cung cho rằng vì để NIC và Khu CNC Hòa Lạc phát triển được cần có nhiều điều kiện hấp dẫn như mức lương cao và môi trường làm việc, môi trướng sống tốt nhất để thu hút và giữ chân người tài, trực tiếp cạnh tranh với các nước khác, đơn cử như Singapore./.

Tham khảo tài liệu Tọa đàm tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác