Hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ” (25/05/2018)
H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ” (25/05/2018)

25/05/2018 - 3407 lượt xem

Thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng "Đề án mô hình kinh tế chia sẻ" và báo cáo Chính phủ trong tháng 6 năm 2018. Ngày 25/05/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Mô hình kinh tế chia sẻ” để lấy ý kiến nhằm hoàn thiện Đề án trước khi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện của các Bộ ngành liên quan, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết mục tiêu chính của Đề án là đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ nhằm phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu rủi ro của mô hình kinh tế này ở Việt Nam.  

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Ngô Minh Tuấn – Phó Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) trình bày tóm tắt một số nội dung chính của Đề án. Theo đó, Đề án gồm 3 phần chính: (1) Thực trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ và hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với kinh tế chia sẻ; (2) Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về kinh tế chia sẻ ở Việt Nam và (3) Tổ chức thực hiện.

Ảnh 2: ThS. Ngô Minh Tuấn – Phó Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Về khái niệm, kinh tế chia sẻ là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, không phải trả tiền hoặc trả một khoản phí, với tính chất điển hình là thông qua các công cụ internet. Bản chất của kinh tế chia sẻ là sự cộng tác tiêu dùng, người tham gia cũng nhau tiếp cận với sản phẩm hoặc dịch vụ hơn là sở hữu cá nhân về sản phẩm, dịch vụ đó.

Thông qua việc phân tích thực trạng phát triển nền kinh tế chia sẻ và phản ứng chính sách ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất một số nhóm giải pháp chính như: (i) nhóm các giải pháp về môi trường và thể chế; (ii) nhóm các giải pháp về nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; (iii) nhóm các giải pháp về hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế chia sẻ; và (iv) nhóm các giải pháp về thanh tra, kiểm tra; v.v…

Sau phần trình bày tóm tắt báo cáo  Đề án, TS. Nguyễn Đình Cung trình bày bổ sung thêm khái niệm và khung phân tích của Đề án nhằm làm rõ hơn cách tiếp cận của báo cáo.

Ảnh 3: Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá báo cáo khá công phu, có nhiều thông tin hữu ích và đã đưa ra một cái nhìn tổng thể về cách tiếp cận nền kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nên phân tích rõ hơn về những cơ hội, thách thức và rủi ro của Việt Nam khi thực hiện mô hình kinh tế chia sẻ để từ đó đưa ra những giải pháp chính sách cụ thể.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày của diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đông thời, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý và hoàn thiện báo cáo để trình lên Bô và Chính phủ trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM) Email: tttl@mpi.gov.vn

ĐT: 024.37338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác