Tập huấn “Triển vọng và điều kiện sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh”, 18 – 20/01/2018
TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tập huấn “Triển vọng và điều kiện sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh”, 18 – 20/01/2018

22/01/2018 - 5346 lượt xem

Năm 2016, Việt Nam đã xây dựng và công bố kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) (RAASR) giai đoạn 2016-2020. Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động nói trên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Khóa tập huấn về “Triển vọng và điều kiện sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh”, từ ngày 18 – 20/01/2018 tại thành phố Đà Nẵng. Thành phần tham dự khóa tập huấn bao gồm hơn 30 cán cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh, xử lý các vụ việc cạnh tranh ở Trung ương và địa phương (Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế, và Đà Nẵng). Các diễn giả tham gia trình bày tại khóa tập huấn gồm có 4 diễn giả trong nước và hai diễn giả quốc tế đến từ Cơ quan cạnh tranh thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC) và Ủy ban cạnh tranh Canada.

Ảnh: Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, phát biểu khai mạc Tập huấn

Ảnh: Các đại biểu tham dự khóa Tập huấn

Phát biểu khai mạc khóa Tập huấn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM và ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM, Đại diện phái đoàn Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế APEC đều nhấn mạnh việc hoàn thiện chính sách cạnh tranh hiện là một trong những vấn đề trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Trong đó, một vấn đề nổi lên là khó khăn khi sử dụng các chứng cứ phù hợp để xử lý các vụ việc cạnh tranh, kể cả việc tìm kiếm và bổ sung các chứng cứ theo quy định tại Luật Cạnh tranh. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy trong điều kiện các chứng cứ pháp lý còn thiếu, chứng cứ kinh tế có thể có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam còn chưa có nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến sử dụng các chứng cứ kinh tế trong các vụ việc cạnh tranh. Trong bối cảnh ấy, khóa Tập huấn nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan nhằm khuyến khích việc sử dụng các chứng cứ kinh tế khi xử lý các vụ việc cạnh tranh tại Việt Nam.

Ảnh: Ông Nguyễn Anh Dương, Đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế APEC

Mở đầu cho nội dung tập huấn, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày về Khung chính sách cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh, nhấn mạnh đến thực tiễn tại Việt Nam và việc cần hoàn thiện chính sách cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh và tạo điều kiện cho việc thực thi hiệu quả đặc biệt cần cấp thiết sửa đổi Luật Cạnh tranh. Việc cập nhật tình hình, những nội dung điều chỉnh mới trong Dự thảo Luật Cạnh tranh từ Dự thảo 1 đến Dự thảo 5 cũng được bà Loan bình luận cụ thể và nhấn mạnh đến 2 nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung khóa tập huấn là sử dụng chứng cứ kinh tế  và Mô hình cơ quan cạnh tranh.

Chủ đề pháp luật về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền nhằm hạn chế cạnh tranh và sử dụng bằng chứng kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh tại Việt Nam được TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng trình bày. TS. Sơn đã nêu lên các khái niệm, căn cứ xác định vị trí thống lĩnh, độc quyền của doanh nghiệp và các hành vi theo quy định của Luật Cạnh tranh và nguyên tắc xử lý. Diễn giả cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh và tìm kiếm chứng cứ kinh tế qua một số ví dụ  cụ thể.

Nội dung khóa tập huấn cũng nhấn mạnh vai trò của sử dụng phương pháp, công cụ đánh giá tác động pháp lý (RIA) trong quá trình hoạch định chính sách dựa trên cơ sở bằng chứng kinh tế, hướng tới tăng cường  sử dụng bằng chứng trong xây dựng chính sách; đảm bảo nâng cao chất lượng của hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản pháp luật, cũng như xem xét các công cụ đánh giá tác động đến cạnh tranh của các quy định pháp luật.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp đối với cạnh tranh tại Việt Nam, Diễn giả Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu lên những cảm nhận chung của doanh nghiệp Việt Nam về cạnh tranh công bằng; tầm quan trọng của việc xử lý các vụ việc cạnh tranh cũng như thông tin về các vụ việc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những triển vọng tăng cường sử dụng chứng cứ kinh tế tại Việt Nam cũng được diễn giả đề cập tới thông qua xem xét và phân tích các quy định pháp luật và trường hợp cụ thể.

Ảnh: Một phiên làm việc của khóa Tập huấn

Bên cạnh đó, các diễn giả quốc tế đến từ Ủy ban Cạnh tranh Canada và Cơ quan cạnh tranh thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC) cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của Canada và Nhật Bản về việc sử dụng bằng chứng  kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh. .

Trong khuôn khổ các phiên làm việc của tập huấn, các đại biểu tham dự, các diễn giả trong nước và quốc tế đã tích cực trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh nội dung khóa tập huấn, những kinh nghiệm và thách thức của nhiều địa phương đã gặp phải trong quá trình xây dựng chính sách, đặc biệt là khả năng tác động tới cạnh tranh của các quy định pháp lý và những hạn chế trong áp dụng chứng cứ kinh tế..

Kết thúc khóa Tập huấn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đại biểu cũng như các diễn giả trong nước và quốc tế trong suốt khóa tập huấn; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh và việc cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về cạnh tranh tại Việt Nam. Ông Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh ý nghĩa của khóa tập huấn trong việc  nâng cao nhận thức và tác động lan tỏa góp phần nâng cao hiệu quả hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật cạnh tranh nói riêng và hoàn thiện khung pháp lý tại Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác