Hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách"
H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách"

03/05/2017 - 3404 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV), ngày 28/04/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Động lực cho cải cách". Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết Việt Nam đang bước vào một giai đoạn kinh tế nhiều biến động. Bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi, kể cả đảo chiều chính sách đột ngột ở một số nền kinh tế chủ chốt. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chững lại. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chững lại. Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – mà Việt Nam đã ký hoặc đang tham gia đàm phán - không có nhiều chuyển biến. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam vẫn còn loay hoay trong việc cân bằng yêu cầu điều hành kinh tế- xã hội và các định hướng cải cách thể chế kinh tế.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc dự án RCV phát biểu khai mạc Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Phụ trách, Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô trình bày những điểm chính của báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I năm 2017. Theo đó, báo cáo hướng tới 4 mục tiêu chính: (I) Cập nhật, phân tích diễn biễn kinh tế vĩ mô Quý I; (II) Đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô Quý II và cả năm 2017; (III) Phân tích một số vấn đề kinh tế nổi bật; và (IV) Kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế và giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2017.

Ảnh 2: ThS. Nguyễn Anh Dương – Phó Trưởng ban Phụ trách, Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô trình bày tại Hội thảo

Theo ThS. Nguyễn Anh Dương, kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng GDP trong Quý I đạt 5,12%, thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước đó. Khu vực dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đạt 6,52%. Khu vực công nghiệp – xây dựng suy giảm rõ nét. Chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng trong Quý I, dù tốc độ tăng chậm dần. Mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng tăng khoảng 4,03% trong Quý I. Tăng trưởng xuất khẩu trong quý đạt 15,1%, mức cao nhất từ quý II/2014. Giá trị nhập khẩu trong quý I đạt 46,6 tỷ USD, tăng 24,9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong Quý I chỉ tăng 3,2%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trong Quý I đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, tăng tới 21,6% so với cùng kỳ và bằng 23,1% dự toán cả năm 2017.

Về dự báo tình hình kinh tế vĩ mô Quý II, ThS Dương cho biết tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,61%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,24%. Thâm hụt thương mại ở mức 1,13 tỷ USD (do giá tăng cầu đầu tư và nhập khẩu tăng). Mức tăng giá tiêu dùng trong Quý II là khoảng 0,86%.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng phân tích một số vấn đề về đổi mới cơ chế điều hành phát triển kinh tế - xã hội hướng tới nhà nước kiến tạo. Qua đó, đề xuất một số định hướng đổi mới công tác điều hành như: (1) chuyển trọng tâm điều hành hướng vào tăng năng suất để tăng trưởng, tăng thịnh vượng và phúc lợi cho xã hội; (2) tạo hệ thống động lực, cung cấp các dịch vụ công chất lượng, giá rẻ; và (3) thay đổi cách thức làm việc/ thực thi, chuyển dần từ ban hành nghị quyết theo hướng điều hành sang các nghị quyết mang tính chuyên đề; v.v…

 

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin của diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Viện trưởng Cung cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, chuỗi báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý của CIEM sẽ tiếp tục duy trì các phân tích cập nhật, chính xác và sâu sắc nhất gắn với bối cảnh điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và yêu cầu cải cách ở Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vnĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác