Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế và bình đẳng giới” (29/06/2017)
H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế và bình đẳng giới” (29/06/2017)

01/07/2017 - 4795 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Vệt Nam” (Dự án RCV), ngày 29/06/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế và bình đẳng giới”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án chủ trì.

Phát  biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới đã được thể chế hoá thành chính sách, pháp luật và được các cấp, các ngành và toàn xã hội triển khai thực hiện. Nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ. 

Ảnh 1: Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, trong phần trình bày “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đến bình đẳng giới ở Việt Nam” của TS. Đặng Thị Thu Hoài – Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM), hội nhập kinh tế quốc tế đã cải thiện được mức độ phát triển của nữ giới so với nam giới ở Việt Nam trong thời gian gần đây (ở góc độ tiếp cận phát triển con người). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội do hội nhập đem lại cho phụ nữ để làm giảm sự bất bình đằng giới, đặc biệt trong việc tham gia vào thị trường lao động và từ đó hưởng lợi từ hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập khu vực. Khả năng và điều kiện tham gia của phụ nữ vào các ngành nghề có khả năng được hưởng lợi tích cực từ hội nhập vẫn còn hạn chế. Qua đó, TS. Hoài đưa ra một số hàm ý chính sách để Việt Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà hội nhập đem lại cho phụ nữ như: tạo điều kiện dịch chuyển lao động nữ giữa các ngành, khu vực; các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nên tập trung vào một số ngành được hưởng lợi từ hội nhập; v.v…

Ảnh 2: TS. Đặng Thị Thu Hoài – Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Về phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, ThS. Phạm Thị Hương Giang – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết những chủ trương mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng đã đem lại những cơ hội lớn cho phụ nữ trong việc nâng cao năng lực, việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, phụ nữ gặp không ít khó khăn, thách thức. Do đó, ThS. Giang đề xuất một số giải pháp như: cải tiến đồng bộ chương trình đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho phụ nữ; có các chính sách đặc thù đối với các đối tượng lao động, đặc biệt là đối với lao động nữ khu vực phi chính thức; v.v…

Ảnh 3: ThS. Phạm Thị Hương Giang – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển trình bày tại Hội thảo

Trong phần thảo luận, hầu hết các ý kiến đều cho rằng mặc dù sự góp mặt của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế, chính trị đã tăng lên nhưng quyền và lợi ích thực sự của phụ nữ vẫn chưa thực sự đạt được như mong muốn. 

Ảnh 4: Bà Đỗ Thuỳ Dương Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin của các diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo./.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác