Hội thảo "Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm”
H%E1%BB%99i%20ngh%E1%BB%8B%20h%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo "Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm”

26/06/2017 - 4734 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV), ngày 23/06/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án chủ trì.

Ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Trong bối cảnh đó, Dự án RCV được xây dựng để hỗ trợ thực hiện một số kế hoạch trong Đề án tổng thể tái cơ cấu này.

 

Ảnh 1: Ông Justin Baguley – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Justin Baguley – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Việt Nam cho biết mục tiêu chính của Dự án RCV là  nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập; và nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và giảm tham nhũng.

Trong giai đoạn 2014-2017, Dự án RCV đã hỗ trợ các cơ quan liên quan như CIEM, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA), Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn(IPSARD) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện 60 báo cáo nghiên cứu; xuất bản 22 ấn phẩm; tổ chức 56 Hội thảo, 3 Diễn đàn kinh tế; tổ chức 15 khóa tập huấn và tổ chức một số chuyến khảo sát. Đặc biệt, Dự án RCV đã hỗ trợ hiệu quả cho CIEM trong việc xây dựng Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV trình bày tại Hội thảo

Về các đề xuất cho chương trình hỗ trợ mới của Dự án RCV – Chương trình Aus4Reform, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng trong thời gian tới, Chương trình cần chú trọng hơn vào việc xây dựng các thể chế kinh tế thị trường và phát triển các thị trường nhân tố sản xuất thực sự cạnh tranh và minh bạch. Bên cạnh đó, cần tập trung nhiều hơn vào việc giám sát các tác động đối với tổng việc làm phân chia theo ngành nghề và giới.

Trong phần thảo luận, các ý kiến đều cho rằng Dự án RCV đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, bao gồm tuyên truyền hiểu biết, thực thi pháp luật về cạnh tranh trên diện rộng. Điểm quan trọng nhất là Dự án RCV đã giúp Chính phủ Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng bao trùm thông qua các hỗ trợ nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm sự tuỳ tiện về hành chính và thúc đẩy cách tiếp cận minh bạch, tăng cường tham vấn đối với quá trình cải cách.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng, Giám đốc Dự án Nguyễn Đình Cung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, cảm ơn Đại sứ quán Ôxtrâylia đã đồng hành và hỗ trợ CIEM, VCA và IPSARD trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu. TS. Cung cũng đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp của các cơ quan Ôxtrâylia và Việt Nam và cho rằng đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công của Dự án. Ông hy vọng trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục duy trì và phát huy mối quan hệ tốt đẹp này./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác