Hội thảo “Điều kiện kinh doanh 2017”
Tin tức

Hội thảo “Điều kiện kinh doanh 2017”

19/06/2017 - 4683 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV), chiều ngày 15/06/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) giới thiệu Báo cáo Điều kiện kinh doanh 2017”. Báo cáo thống kê, đánh giá, rà soát hiện trạng điều kiện kinh doanh hiện nay và các đề xuất kiến nghị. Hội thảo do ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV chủ trì.

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (có hiệu lực từ ngày 1/7/2015) được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn quá nhiều rào cản từ các điều kiện kinh doanh, làm cản trở quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và tái cơ cấu nền kinh tế.  

Ảnh 1: Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày những nội dung chính của Báo cáo” Điều kiện kinh doanh 2017: Khái niệm – Thực trạng – Con đường phía trước”. Theo đó, hiện nay có 7 ngành nghề, 5 dịch vụ, và 19 hàng hóa trong danh sách cấm kinh doanh; 12 ngành nghề chỉ doanh nghiệp nhà nước được phép kinh doanh; 1 dịch vụ và 7 hàng hóa bị hạn chế kinh doanh. Bên cạnh đó, có 243 ngành nghề, 69 dịch vụ và 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có hàng trăm các điều kiện “con, cháu” khác nhau, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng và có cấu trúc phức tạp.

Ảnh 2: Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu trình bày báo cáo tại Hội thảo

Ông Hiếu cho biết thêm, điều kiện kinh doanh chỉ là một loại rào cản trong số những rào cản pháp luật đối với hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó còn khá nhiều rào cản như: hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu cơ chế đảm bảo thực thi; vẫn còn thiếu nhận thức đúng về bản chất giấy phép; chưa duy trì được rà soát và nâng cao chất lượng quy định điều kiện kinh doanh một cách hiệu quả và thường xuyên; v.v…

Qua đó, ông Hiếu cho rằng để giảm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, cần phải “cắt xén” mạnh mẽ các quy định tạo rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh,v.v… Đồng thời, cần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cho cán bộ liên quan; thay đổi tư duy quản lý bằng mọi giá bằng tư duy quản lý không gây ảnh hưởng đến kinh doanh và xóa bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Đặc biệt, nên thành lập một cơ quan độc lập để thực hiện rà soát và “cắt xén” các điều kiện kinh doanh và các quy định pháp luật không hợp lý.

Trong phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đều cho rằng còn quá nhiều rào cản kinh doanh được dựng lên từ hàng trăm ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Do đó, cần nhanh chóng rà soát các thủ tục quy định về điều kiện kinh doanh, bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành gây cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày có hệ thống, nhiều thông tin của diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Viện trưởng Cung đề xuất nhà nước cần sớm thành lập một cơ quan độc lập để “cắt xén” mạnh mẽ những quy định, điều kiện kinh doanh làm cản trở quá trình tạo môi trường kinh doanh thuận lợi./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác