Hội thảo “Rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo”
Hội thảo

Hội thảo “Rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo”

20/03/2017 - 3402 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV), ngày 17/03/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)  tổ chức Hội thảo “Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo". Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết năm nay, ngành lúa gạo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến đất đai sản xuất, biến đổi khí hậu, yêu cầu chất lượng sản phẩm và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.
Ảnh 1:  TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV phát biểu khai mạc Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Quang Vinh – Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đã trình bày kết quả rà soát thể chế ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay. Số liệu thống kê cho thấy diện tích canh tác lúa tăng nhanh từ 2007, chỉ giảm chút ít từ 2014. Sản lượng tăng gần 10 triệu tấn từ năm 2005 đến năm 2015. Năng suất lúa của Việt Nam cao (năm 2014 đạt 57,6 tạ/ha), cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu gạo đạt tốc tốc độ cao, trung bình 14%/năm về lượng và 10%/năm về giá trị trong giai đoạn 1989 - 2012, nhưng từ 2014 giảm cả về lượng và giá trị.

Ảnh 2: TS. Đặng Quang Vinh – Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày báo cáo tại Hội thảo

Nhóm nghiên cứu đã đi sâu phân tích các quy định pháp luật, thể chế hiện hành liên quan đến toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo. Thông qua việc xác định các rào cản, điểm nghẽn thể chế đối với tăng trưởng năng suất trong ngành lúa gạo, đặc biệt là vấn đề hạn điền, hạn chế chuyển nhượng đất trồng lúa, các rào cản xuất khẩu gạo trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP, nhóm nghiên cứu đề xuất khuyến nghị cải cách nhằm nâng cao năng suất ngành lúa gạo và thu nhập của người trồng lúa. Theo đó, cần nhận thức rõ về vai trò của quyền tài sản trong hoạt động kinh tế, đầu tư và phát triển, cụ thể là quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân; tôn trọng quy luật thị trường trong phát triển kinh tế, không nên dùng quy hoạch và các mục tiêu sản lượng cứng nhắc để điều hành nền kinh tế; v.v… Một trong những khuyến nghị quan trọng là chuyển đổi tư duy trọng lượng sang tư duy trọng chất, đặc biệt coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân. Các khuyến nghị cụ thể của nhóm nghiên cứu bao gồm: (i) bỏ quy hoạch trồng lúa trên toàn quốc với một lộ trình phù hợp cho vùng có lợi thế trồng lúa ở đồng bằng Sông Cửu Long; (ii) bỏ hạn điền và hạn chế chuyển nhượng đất trồng lúa; thừa nhận quyền sử dụng đất trồng lúa lâu dài như các loại đất ở; (iii) bỏ các rào cản xuất khẩu gạo trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Tại phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đều đánh giá Báo cáo chứa đựng nhiều thông tin và đã nêu được bức tranh cơ bản của ngành lúa gạo Việt Nam từ sản xuất đến tiêu dùng. Báo cáo cũng đã nêu lên được một số chính sách liên quan cũng như quá trình thực hiện chính sách liên quan đến ngành lúa gạo.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng ngành gạo không nên chỉ quan tâm đến thị trường nước ngoài mà cần phải quan tâm đến ngay thị trường trong nước. Bởi đây cũng là một thị trường lớn khi nhu cầu ngày càng tăng và yêu cầu chất lượng cũng cao.

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày của diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Viện trưởng Cung yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến nhằm hoàn thiện Báo cáo “ Rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo”./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác