Dự án GIZ: Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh
Hợp tác quốc tế

Dự án GIZ: Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh

19/03/2006 - 6499 lượt xem

Căn cứ thực hiện:

- Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác Kỹ thuật ký ngày 20 tháng 11 năm 1991.

- Thỏa thuận dưới hình thức Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về Hợp tác Kỹ thuật của năm 2017 ký ngày 19 tháng 9 năm 2018 theo kết quả đàm phán Chính phủ ngày 18 tháng 5 năm 2017.

-  Cam kết của Chính phủ Đức tại kết quả đàm phán giữa Chính phủ Đức và Việt Nam năm 2017, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 6422/VPCP-QHQT ngày 21/6/2017.

-  Quyết định số 1935/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án “Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh” giai đoạn 2019-2021, sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Chính phủ Đức tài trợ;

-  Quyết định số 2123/QĐ-BKHĐT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phê duyệt nội dung Dự án “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật cải cách kinh tế vĩ mô / Tăng trưởng xanh” giai đoạn 2019-2021.

-  Thỏa thuận thực hiện được ký giữa Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH & ĐT).

1. Tên dự án: “Chương trình Cải Cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng Xanh” 

2. Cơ quan tài trợ: Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Cộng hòa Liên bang Đức

3. Cơ quan chủ quản:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Số 6, Hoàng Diệu, Hà Nội, Việt Nam

Cơ quan chủ Dự án:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

6 Hoàng Diệu, Hà Nội, Việt Nam

Các cơ quan thực hiện Dự án:

    - Hợp phần 1: Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    - Hợp phần 2: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    - Hợp phần 3: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban chứng khoán Nhà nước chủ trì thực hiện (các Sở Giao dịch chứng khoán, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính phối hợp).

    - Hợp phần 4: Bộ Tài chính

 

4.  Thời gian thực hiện dự án: 3 năm, bắt đầu từ năm 2019 đến năm 2021.

5.  Vị trí dự án: Hà Nội và một số tỉnh được chọn

6. Ngân sách dự án:  3.720.000 Euro (tương đương 4.144.080 USD, tương đương 95.749.080.000 VNĐ, tỷ giá 01 Euro = 25.739 VNĐ).

        Trong đó: 

  • Vốn ODA: 3.400.000 Euro (tương đương 87.512.600.000 VNĐ). Do Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức viện trợ không hoàn lại.
  • Vốn đối ứng: 320.000 Euro (tương đương 8.236.480.000 VNĐ)

7. Mục tiêu của Dự án

7.1.  Mục tiêu tổng thể:

Tăng cường tính phối hợp đồng bộ và tính liên kết của các chính sách kinh tế của Việt Nam, bao gồm các chính sách kinh tế xanh, chính sách tài khóa xanh, chính sách tín dụng, ngân hàng xanh và quản lý tài chính công xanh.

7.2. Mục tiêu cụ thể:

+ Tăng cường năng lực điều phối của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng bền vững và toàn diện.  

+ Nâng cao, tăng cường vai trò và năng lực của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM là một cơ quan thuộc Bộ KH & ĐT), là một viện nghiên cứu chính sách (think-tank) của Chính phủ trong tăng trưởng xanh.

+ Hỗ trợ cải cách thị trường tài chính theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam; tăng cường năng lực, chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng phối hợp của các bên tham gia thị trường tài chính xanh trong thị trường tài chính Việt Nam ở lĩnh vực tăng trưởng xanh, cụ thể là nâng cao hiệu quả của hệ thống tài chính thân thiện với môi trường.  

+ Tăng cường cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công với tầm nhìn trung hạn nhằm khuyến khích phát triển xanh và có trách nhiệm với môi trường, xã hội.

Dự án bao gồm 04 (bốn) Hợp phần, với những mục tiêu sau đây:

  1.  Hợp phần 1: Điều phối hiệu quả các chính sách tăng trưởng xanh và toàn diện

Hợp phần 1 do Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường – DSENRE (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện hướng đến việc nâng cao năng lực điều phối, phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng  bền vững toàn diện, sử dụng các chỉ số liên quan để giám sát việc thực hiện các chiến lược phát triển bền vững và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (SEDP) .

  1. Hợp phần 2: Tăng cường vai trò của CIEM trong nghiên cứu và tư vấn chính sách về tăng trưởng xanh

Hợp phần 2 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì thực hiện, hướng đến việc tăng cường năng lực tư vấn trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, lồng ghép các khía cạnh môi trường, xã hội và phát triển bền vững trong công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách của CIEM.

  1. Hợp phần 3: Tài chính xanh

Hợp phần 3 do Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán Nhà nước chủ trì thực hiện với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng phối hợp của các bên tham gia thị trường tài chính xanh của thị trường tài chính Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, tăng cường khung pháp lý và năng lực của các nhà hoạch định tài chính xanh liên quan đến việc thúc đẩy huy động đầu tư tư nhân và đầu tư công vào phát triển bền vững.

  1. Hợp phần 4: Tài khóa xanh cho tăng trưởng bền vững và toàn diện

Hợp phần 4 do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện, hướng tới việc cải thiện khung pháp lý và năng lực về quản lý tài chính công với tầm nhìn trung hạn cho tăng trưởng bền vững và toàn diện, nhất là chính sách tài khóa, khung pháp lý về giá, chính sách tài chính xanh cho các định chế tài chính nhà nước, năng lực quản lý tài chính công trung hạn.

8. Tổ chức quản lý Dự án:

- Giám đốc Dự án: TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ định. Chịu trách nhiệm điều phối tổng thể Dự án.

- Cố vấn trưởng Dự án: TS. Michael Krakowski. Do phía Đức chỉ định.

- Ban Chỉ đạo dự án gồm: Giám đốc Dự án, Cố vấn trưởng do phía Đức chỉ định và Giám đốc các hợp phần, đại diện của UBCKNN.

- Cơ quan chủ quản của các hợp phần cử 01 Giám đốc hợp phần chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các hoạt động của từng hợp phần.

9. Sự cần thiết và tác động của Dự án

Chương trình này phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ trong việc huy động và sử dụng các quỹ ODA. Mục tiêu và kết quả của chương trình có liên quan đến các chương trình, chiến lược và ưu tiên của quốc gia. Thông qua việc lồng ghép các yếu tố bền vững và các yếu tố xanh trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước và liên kết với các quy trình tài chính (ngân sách và đầu tư của khu vực tư nhân), Chương trình sẽ đảm bảo được tính hiệu quả trong trung và dài hạn.

 Tác động chung: Dự án góp phần cải thiện sự phối hợp đồng bộ của các chính sách kinh tế Việt Nam và hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững. Vì vậy, nó góp phần vào việc đạt được mục tiêu Tăng trưởng Bền vững (SDG) 8 “Tăng trưởng kinh tế bền vững” (các mục tiêu phụ 8.1-8.4) và SDG 12 “Sản xuất và tiêu thụ bền vững”. Dự án góp phần vào đạt được SDG 16 “Hòa bình, Công bằng và Thể chế mạnh” (mục tiêu 16.3 và 16.8) và SDG 17 “Tăng cường các phương tiện thực hiện và quan hệ đối tác toàn cầu” thông qua nâng cao sự phối hợp của các tác nhân kinh tế chính, tăng cường chính sách và quản lý ngân sách hiệu quả hơn. Sự hỗ trợ của chương trình cho thực hiện Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh (VGGS) và lồng ghép, phối hợp với Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội sẽ đóng góp tích cực cho các chính sách tài chính xanh và tài khóa xanh để nâng cao năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu SDG “chống biến đổi khí hậu và các tác động của nó”.   

 Tác động xã hội: Dự án hoạt động ở cấp độ vĩ mô và nhằm thúc đẩy một con đường phát triển bền vững cho đất nước. Việc chuyển sang mô hình tăng trưởng bền vững và xanh hơn sẽ mang lại lợi ích cho 95 triệu người dân Việt Nam. Mô hình tăng trưởng tốt hơn sẽ có tác động kinh tế - xã hội và sẽ mang lại lợi ích cho người nghèo hiện vẫn đang chiếm 13,5% dân số. Các rủi ro môi trường dẫn đến điều kiện sống bấp bênh và mất thu nhập nói chung, đặc biệt là đối với người dân nông thôn. Các rủi ro môi trường làm trầm trọng thêm các nguy cơ đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Các rủi ro môi trường đôi khi dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như một số sự kiện gần đây cho thấy. Rõ ràng là, tăng trưởng xanh và bền vững sẽ góp phần cải thiện điều kiện sống, lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Dự án sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro xã hội phát sinh từ các chính sách kinh tế không bền vững về kinh tế và môi trường.

 Tác động kinh tế: Dự án góp phần vào việc nâng cao tính hiệu quả trong phối hợp chính sách kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ hơn trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở Việt Nam, đảm bảo con đường tăng trưởng kinh tế bền vững được duy trì vững chắc. Điều này sẽ dẫn đến các quá trình tăng trưởng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý và tỷ trọng trái phiếu xanh cao hơn trong danh mục thị trường tài chính trong nước.                   

 Tác động sinh thái: Điều kiện môi trường ngày càng xấu hơn ở Việt Nam dần trở thành mối quan ngại ngày càng lớn của người dân và của Chính phủ. Các rủi ro môi trường quan trọng bao gồm ô nhiễm ngày càng tăng và ngày một rõ nét của biến đổi khí hậu. Sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và gia tăng thiệt hại mùa màng và thiệt hại do các sự kiện hạn hán và lũ lụt cũng cho thấy mức nghiêm trọng của các rủi ro môi trường đối với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện một sự thay đổi có tính quyết định, đó là chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa trên nguồn lực hiện tại sang mô hình bền vững hơn dựa trên tri thức, và dựa trên tính hiệu quả. Chương trình cũng đóng góp vào nỗ lực này của Chính phủ bằng cách tăng cường sự phối hợp đồng bộ về chính sách giữa các chiến lược quan trọng và nâng cao năng lực của các tác nhân chủ chốt của nền kinh tế. 

Các nội dung của chương trình được xây dựng trên nền tảng và các phương pháp đánh giá theo ba khía cạnh của tính bền vững. Để hỗ trợ tăng trưởng bền vững với xã hội và môi trường ở Việt Nam, sự tương tác hiệu quả của các quy trình lập kế hoạch và tài chính công là không thể thiếu. Dự án tăng cường sự tương tác này trong hệ thống đối tác bằng các biện pháp đồng bộ và phối hợp chính sách. Dự án được đặt tại cả ba cơ quan Bộ bao gồm Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và do đó có những điều kiện hết sức thuận lợi để đạt được mục tiêu đảm bảo tính đồng bộ và phối hợp chính sách.

 

 


Tin tức khác