Hội thảo: "Các yếu tố tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam"
Tin tức

Hội thảo: "Các yếu tố tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam"

24/03/2006 - 1741 lượt xem

Tham dự cuộc hội thảo có hơn 50 đại biểu của Ban Kinh tế TƯ Đảng, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TBXH), Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ, Đại học Kinh tế Quốc dân v.v... TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khai mạc hội thảo. TS. Lê Xuân Bá, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW, chủ nhiệm đề tài, giới thiệu về đề tài nêu rõ mục tiêu và ý nghĩa của báo cáo nghiên cứu.

Mục tiêu của nghiên cứu là:i) Đánh giá thực trạng và xu thế chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ giữa thập kỷ 1990 đến nay; ii) Xác định các yếu tố ngăn cản và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt nam trong 10 năm trở lại đây và iii) Đề xuất các chính sách nhằm tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn Việt Nam.

Một số kết luậnvà đề xuất chính sách chính của nghiên cứu là:

•Mặc dù không cùng tốc độ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch về cơ cấu lao động nông thôn diễn ra nhanh hơn trong khoảng một thập kỷ qua.

•Có nhiều yếu tố tác động tới chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và không có một mô hình chung cho tất cả các loại hình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Cơ chế tác động của các yếu tố này phức tạp và nhiều chiều.

•Các yếu tố cụ thể có tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn bao gồm: i) Các yếu tố về đất đai; ii) Trình độ văn hóa và chuyên môn của người lao động; iii) Tuổi của lao động; iv) Thu nhập từ SX nông nghiệp của hộ gia đình và chênh lệch về thu nhập giữa hoạt động SXNN và phi nông nghiệp của lao động; v) Mức độ công nghiệp hoá của địa phương; vi) Mức độ phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương

•Tăng cường các chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Không dùng các biện pháp hành chính, phi kinh tế để chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu lao động nông thôn.

•Hoàn thiện các chính sách thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, các chính sách khuyến khích và hỗ trợ này cần bình đẳng và minh bạch.

•Công khai và minh bạch hơn qui hoạch đất nông nghiệp và hoàn thiện các chính sách về đất nông nghiệp;

•Thiết kế cụ thểcác chính sách hướng dẫn nông dân về sinh kế sau giải phóng mặt bằng

•Có các chính sách tăng cường việc nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng cơ sở nông thôn trên cơ sở có qui hoạch một cách khoa học khu vực nông thôn.

Nâng cao chất lượng lực lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo trên cả hai mặt: i) Nội dung chuyên môn, kỹ năng lao động và ii) Tác phong công nghiệp và ý thức kỷ luật

Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý để thị trường lao động nói chung và thị trường lao động nông thôn nói riêng hoạt độngthông thoáng, hạn chế các rào cản tạo ra sự chia cắt trong thị trường.


Tin tức khác