Hội thảo: "Chính sách phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam
Hội thảo

Hội thảo: "Chính sách phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam

19/03/2010 - 1959 lượt xem

Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là TTBĐS Việt Nam và chính sách phát triển TTBĐS Việt Nam.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu tổng quan về hệ thống chính sách phát triển TTBĐS Việt Nam; lựa chọn một số chính sách để đi sâu nghiên cứu, trong đó tập trung vào các chính sách đất xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc, tài chính, tiền tệ và tín dụng BĐS từ năm 1986 đến nay. Ở đây có chú trọng tới các địa bàn quan trọng như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề tài sử dụng nhiều phương pháp khác nhauđể thực hiện cho từng nội dung trong đề tài. Cụ thể là: (i) Phương pháp định tính: Phương pháp thống kê, mô tả, so sánh, dự báo; phương pháp phân tích, tổng hợp các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước; phương pháp chuyên gia … (ii) Phương pháp định lượng, đề tài sẽ sử dụng các công cụ định lượng để lượng hoá tác động, đánh giá nhân tố ảnh hưởng,… Bên cạnh đó, đề tài cũng sử dụng một số công cụ định lượng để thực hiện tính toán, đánh giá các chỉ tiêu như công cụ phần mềm máy tính chuyên dụng (STATA, SPSS), công cụ tra cứu trực tuyến.

Đề tài đã giải quyết tốt các nội dung: (i) Cơ sở lý luận về thị trường bất động sản và chính sách phát triển thị trường bất động sản; (ii) Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam về chính sách phát triển thị trường bất động sản; (iii) Thực trạng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam những năm qua; (iv) Thực trạng chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam những năm qua; (v) Đánh giá tổng quát về phát triển thị trường bất động sản và chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam những năm qua; (vi) Quan điểm, định hướng phát triển thị trường bất động sản và chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đến năm 2020; (vii) Giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đến năm 2020.

Với các kết quả đạt được như trên, đề tài đã thực hiện xã hội hóa một số kết quả nghiên cứu (gồm 21 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành về kinh tế và bất động sản; 01 cuốn sách chuyên khảo về kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thị trường bất động sản: Bài học cho Việt Nam) và cũng có bước đột phá/vượt bậc thể hiện ở một số đóng góp của đề tài cho cơ quan chức năng như: (i) Xây dựng Bản dự thảo Đề án “Xây dựng chỉ số thị trường bất động sản (REMI)” mà Đề tài đã chuyển kết quả này cho Bộ Xây dựng và Ban Chỉ đạo Nhà và Thị trường bất động sản Trung ương; (ii) Góp phần xây dựng Báo cáo: “Quản lý nhà nước đối với thị trường nhà khu đô thị mới, căn hộ chung cư và văn phòng cho thuê”.

Các sản phẩm đóng góp của Đề tài đều được công khai, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các cơ quan chức năng. Kết quả này thể hiện tính đặc thù của đề tài khi nó thuộc cơ quan chủ trì là Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, một cơ quan có đóng góp lớn về việc xây dựng chính sách kinh tế, xã hội.

Như vậy, đề tài đã đáp ứng được Mục tiêu tổng quát của đề tài: Tạo dựng môi trường chính sách đồng bộ cho phát triển bền vữngTTBĐS nhằm phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam từ nay tới năm 2020.

Buổi Hội thảo diễn ra nghiêm túc, theo đúng trình tự và quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, có đủ các thành viên và cơ quan liên quan. Kết quả, đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước đánh giá đạt loại Xuất sắc./.


Tin tức khác