Hội thảo quốc tế về cải cách thể chế kinh tế: chuyển đổi cấu trúc, tăng trưởng toàn diện và bền vững
Hội thảo

Hội thảo quốc tế về cải cách thể chế kinh tế: chuyển đổi cấu trúc, tăng trưởng toàn diện và bền vững

01/07/2014 - 2196 lượt xem

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung; GS. Finn Tarp, Giám đốc UNU-WIDER; GS. Tony Addison, Chuyên gia Kinh tế Trưởng, Phó Giám đốc UNU-WIDER; TS. David Malone, Hiệu trưởng UNU; cùng các học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu quốc tế đến từ 20 nước trên thế giới.

Ảnh: Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới từ năm 1986 và trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung – bao cấp sang kinh tế thị trường. Công cuộc cải cách kinh tế trải qua gần 3 thập kỷ đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm gần 6,5%. Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Cùng với chính sách cải cách kinh tế, Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong quá trình tạo lập thể chế hóa chính sách, thực thi chính sách, cũng như xây dựng khung pháp lý cho sự phát triển bền vững.

Ảnh: Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc hội thảo

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam còn gặp một số vấn đề khó khăn như chất lượng tăng trưởng thấp, năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế, sự chênh lệch thu nhập và suy thoái môi trường đang tăng lên. Tất cả những vấn đề đó trở thành thách thức cho sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Do vậy, Thứ trưởng đánh giá cao mục đích buổi Hội thảo này đối với Việt Nam trong quá trình nhìn lại 30 năm cải cách kinh tế nhằm đưa ra những bài học, đồng thời, giúp Việt Nam chuẩn bị những chính sách phát triển cho giai đoạn 2016 – 2020 và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Ảnh: GS. Finn Tarp, Giám đốc UNU-WIDER

Hội thảo tập trung thảo luận 2 chủ đề chính. Chủ đề thứ nhất thảo luận về ba thách thức đối với cải cách thể chế bao gồm: (i) cải cách khu vực tài chính, (ii) lập kế hoạch và quản lý khu vực tài chính công và (iii) cải cách doanh nghiệp. Chủ đề thứ hai liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể của cải cách thể chế kinh tế: chuyển đổi cấu trúc, tăng trưởng toàn diện và bền vững. Nội dung thảo luận bao gồm (1) năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp và vấn đề việc làm tại khu vực phi nông nghiệp; (2) thị trường lao động và di cư; (3) những cải cách trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng; (4) tác động qua lại của vấn đề địa lý và tri thức; (5) bảo vệ xã hội; (6) thay đổi trong vấn đề môi trường toàn cầu: phản ứng của quốc gia và quốc tế;  (7) vấn đề cải cách pháp lý, sự triển khai và thực thi pháp luật; (8) vấn đề giới và bất bình đẳng giới; (9) khả năng, kỹ năng và công nghệ.

Ảnh: TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

trình bày tham luận tại hội thảo

Trong phiên thảo luận về cải cách doanh nghiệp,  TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có bài tham luận về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam - thành tựu và thách thức. Trong bài tham luận cũng như trực tiếp trao đổi tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích cụ thể những thành tựu cải cách DNNN đã đạt được qua số lượng doanh nghiệp đã giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, cải cách DNNN ở Việt Nam vẫn đang gặp  nhiều thách thức, đó là số lượng DNNN vẫn còn lớn, nắm giữ trong nhiều ngành công nghiệp chủ đạo, khu vực tư nhân quy mô còn nhỏ và yếu v.v… Vì vậy, một trong những vấn đề cần làm ngay là đổi mới về thể chế trong đó cần tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước. Đồng thời xác định lại chức năng và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường, đổi mới khung khổ quản trị doanh nghiệp, giải quyết những vấn đề tồn đọng của cổ phần hóa, v.v… Qua các bài trình bày và thảo luận sôi nổi về các chủ đề tại Hội thảo đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

UN-WIDER là một đơn vị nghiên cứu của Đại học Liên Hợp quốc, được thành lập năm 1985, tập trung và sự phát triển kinh tế, nghiên cứu đa ngành và phân tích chính sách trong các vấn đề phát triển, cũng như hỗ trợ xây dựng năng lực của các nhà nghiên cứu của các nước đang phát triển. Với mục tiêu đạt được tầm nhìn toàn cầu trong nghiên cứu và phát triển, UNU-WIDER đã hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các cá nhân và tổ chức trên toàn cầu nhằm đưa ra giải pháp cho các thách thức phát triển.

 

 

Tài liệu hội thảo có thể tham khảo tại Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương./.

Nguồn: CIEM


Tin tức khác