Hội thảo “Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam”

02/07/2015 - 2541 lượt xem

Ảnh: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, Luật sư Julian Scarff đã trình bày báo cáo “Điều tiết thị trường ngành điện lực: kinh nghiệm quốc tế đối với Việt Nam”. Nội dung chính của báo cáo là khái quát về chuỗi cung ứng thị trường điện của Ốt-xtrây-li-a, đồng thời phân tích những thách thức đối với cải cách ngành điện ở Việt Nam. Báo cáo đã phân tích sâu về mô hình hoạt động của các cơ quan điều tiết thị trường điện của Ốt-xtrây-li-a; vai trò và chức năng của Cơ quan Điều hành thị trường điện Ốt-xtrây-li-a (AEMO), Ủy ban Thị trường điện Ốt-xtrây-li-a (AEMC) và Cơ quan Điều tiết điện lực Ốt-xtrây-li-a (AER) trong việc điều tiết thị trường như điều tiết lĩnh vực phát điện, điều tiết mạng lưới truyền tải và phân phối điện, điều tiết khu vực bán lẻ. Luật sư Julian Scarff cũng đã chỉ ra những lợi ích kinh tế do cải cách thị trường điện mang lại trong việc thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện hiệu quả và giảm giá điện. Bên cạnh việc xem xét cách thức quản lý ngành điện ở Việt Nam cũng như lộ trình cải cách thị trường điện lực ở Việt Nam, Luật sư Julian Scarff phân tích một số mô hình nghiên cứu điển hình có mức độ cải cách khác nhau như (i) Chi–lê: Là quốc gia đang phát triển đầu tiên tiến hành cải cách và trở thành hình mẫu điều tiết ngành điện lực thành công; (ii) Liên bang Nga với việc cải cách không chắc chắn và bị trì hoãn; và (iii) Trung Quốc tiến hành cải cách bị gián đoạn. Qua đó, Luật sư Julian Scarff đã rút ra một số nhận định chính như sau:

-          Ở một số nước, việc cải cách vẫn bị kẹt giữa vai trò của thị trường và nhà nước, nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong điều hành và quản lý ngành điện;

-          Thể chế yếu kém dẫn tới cải cách kém hiệu quả;

-          Lợi ích của người tiêu dùng bị rủi ro nếu không có cơ quan điều tiết độc lập; và

-          Cần quản lý cho đúng trước khi thực hiện tư nhân hóa.

Ảnh: Luật sư Julian Scarff đã trình bày báo cáo tại Hội thảo

Đã có nhiều bình luận và câu hỏi đặt ra từ phía các đại biểu đến từ Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu năng lượng (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Ban Chính sách dịch vụ công (CIEM), v.v... xoay quanh các vấn đề về: (i) mô hình cải cách thị trường điện hiện nay của Việt Nam; (ii) vai trò của nhà nước trong việc ổn định giá cả; (iii) những yếu tố  cản trở nhà sản xuất: vấn đề thể chế hay vấn đề kỹ thuật?; (iv) mâu thuẫn lợi ích giữa nhà đầu tư và vấn đề đảm bảo giá; (v)vấn đề an ninh năng lượng; (vi) vấn đề giám sát cơ quan điều tiết độc lập; (vii) vấn đề định giá điện; và (viii) chi phí cho năng lượng tái tạo v.v…  Luật sư Julian Scarff và ông Rainer Brohm - Chuyên gia về năng lượng  của Dự án GIZ đã lần lượt giải đáp các câu hỏi liên quan.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh là một chủ đề lý thú trong bối cảnh cải cách thể chế thị trường ở Việt Nam. Thị trường điện ở Việt Nam còn có một khoảng cách khá lớn so với những nước đã cải cách thành công cụ thể là thị trường phát điện cạnh tranh còn tồn tại nhiều rào cản về thể chế và kỹ thuật. TS. Cung cho rằng vấn đề quan trọng là phải cải cách thể chế, tìm cách tiếp cận phù hợp để giải quyết vấn đề. Việc tổ chức các hội thảo để chia sẻ quan điểm, kiến thức và kinh nghiệm rất có ý nghĩa  tác động tới việc thay đổi thể chế ở Việt Nam ./.

 

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu (CIEM)

 

 


Tin tức khác