Hội thảo thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam: Tác động, cơ hội và thách thức”
Hội thảo

Hội thảo thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với nền kinh tế Việt Nam: Tác động, cơ hội và thách thức”

20/07/2015 - 2367 lượt xem

Nhằm xác định và đẩy nhanh các biện pháp chuẩn bị của Việt Nam trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) thực hiện và tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với kinh tế Việt Nam: Tác động, cơ hội và thách thức”, vào ngày 17 tháng 7 năm 2015 tại khách sạn Công đoàn, Hà Nội.

Hội thảo do TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham dự Hội thảo có ông Andrew Shepherd – Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Hà Nội, đại biểu đến từ Đại sứ quán Hungari, đại diện các bộ, ngành liên quan cùng một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Ảnh: TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh Hiệp định RCEP là một trong ba Hiệp định lớn nhất hiện nay xét về quy mô kinh tế, dân số và giá trị trao đổi thương mại (cùng với Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương - TTIP và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP). Báo cáo Đánh giá tác động của Hiệp định RCEP đối với kinh tế Việt Nam là một báo cáo thiết thực, cung cấp bức tranh tổng thể về những tác động tích cực cũng như những thách thức đối với kinh tế khi Việt Nam tham gia Hiệp định này.

Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô trình bày những tác động tổng thể, cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia RCEP xét trên tổng thể nền kinh tế cũng như theo từng ngành/lĩnh vực cụ thể. Theo đó, RCEPđược kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội mới cho Việt Nam thông qua: cải thiện tiếp cận các thị trường đầu tư và xuất khẩu của ASEAN và các đối tác (cả nước phát triển và đang phát triển) với nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ đa dạng; mở cửa để nhập hàng hóa rẻ hơn (nhất là đầu vào cho sản xuất, máy móc thiết bị có công nghệ hiện đại và phù hợp); tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực và toàn cầu; giảm chi phí giao dịch và tạo dựng môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng các quy định đó trong khuôn khổ các FTA khác nhau của ASEAN; tăng cường hợp tác kỹ thuật và vị thế của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về thương mại và đầu tư.Tuy nhiên, khi tham gia RCEP, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như thương mại của Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số đối tác thương mại lớn cũng như một số sản phẩm xuất  nhập khẩu chủ yếu, khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước những thay đổi về cung cầu  của những thị trường này; một số dòng thuế quan có thể hạn chế thương mại, v.v…/.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM

.Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM.                                       

 

 


Tin tức khác