Hội thảo tham vấn “Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2015: Chuyển biến, cơ hội và thách thức”.
Hội nghị hội thảo

Hội thảo tham vấn “Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2015: Chuyển biến, cơ hội và thách thức”.

30/07/2015 - 2612 lượt xem

Hội thảo do Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV chủ trì. Tham dự Hội thảo có ông Andrew Shepherd – Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Ôxtrâylia tại Hà Nội cùng các chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện các đơn vị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cán bộ CIEM và một số cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV 

Tại Hội thảo tham vấn chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung giới thiệu những nội dung chính trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2015 trên các lĩnh vực tăng trưởng, công nghiệp xây dựng, lạm phát, tín dụng, tỷ giá, thu hút FDI, xuất nhập khẩu. Báo cáo chỉ ra các điểm tích cực của quý này là: tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét hơn, trong đó công nghiệp – xây dựng là điểm sang chính; lạm phát ổn định ở mức thấp; lãi suất ổn định; tín dụng tăng đều hơn trong 6 tháng đầu năm; tỷ giá nhiều biến động trong Quý II, và ổn định dần từ nửa cuối tháng năm; Đầu tư/GDP tăng. Bên cạnh đó vẫn còn những mặt tồn tại, như: nợ xấu vẫn cao, kết quả xử lý nợ xấu chưa rõ ràng; thu hút FDI chưa cải thiện nhiều; xuất nhập khẩu tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời báo cáo đề cập đến một số vấn đề nổi bật trên lĩnh vực thương mại Việt Nam – Trung Quốc và đối xử khác biệt cho doanh nghiệp nhà nước.  Theo đó, thâm hụt thương mại với Trung Quốc có xu hướng tăng, cấu trúc hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có cải thiện theo hướng tăng hàng tinh chế và tăng hàm lượng công nghệ, v.v.. Trên cơ sở đó,  Báo cáo đưa ra một số kiến nghị và dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô quý III/2015.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Tú Anh - Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, CIEM  đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam từ 2011 - 2014

Tại Hội thảo này TS. Nguyễn Tú Anh  cũng trình bày báo cáo về đánh giá thực hiện Đề án tái cơ cấu Kinh tế 2011-2014.  Báo cáo điểm lại những chính sách quan trọng đã được thực hiện và tác động của các chính sách này đối với nền kinh tế. Dựa trên nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác nhau: tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái, cán cân thương mại, cân đối ngân sách, dự trữ ngoại hối, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp, lợi tức các nhóm ngành, các chỉ số trên thị trường chứng khoán, ICOR, các chỉ số về thể chế, v.v… Báo cáo đã đánh giá những thành quả đạt được của quá trình tái cơ cấu kinh tế trong thời gian qua đồng thời nhấn mạnh những mặt chưa được của quá trình đó. Những điểm sang nổi bật được TS. Nguyễn Tú Anh nêu ra đó là: các chỉ số kinh tế vĩ mô liên tục được giữ ổn định, tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu phục hồi rõ rệt, các chỉ số thể chế, về môi trường kinh doanh đã cho thấy sự cải thiện liên tục từ năm 2011 đến nay, xu hướng sụt giảm năng suất lao đã được chặn lại từ năm 2011 và đã tăng lên trong 3 năm qua mặc dù tốc độ tăng còn chậm, hiệu quả đầu tư nói chung và của đầu tư công đã được cải thiện, năng suất nhân tố tổng hợp có sự tiến bộ mặc dù còn thấp, thị trường chứng khoán trở nên sôi động hơn và mở rộng hơn về quy mô, an toàn hệ thống được ngân hàng được củng cố, rủi ro quốc gia liên tục được đánh giá giảm theo quý từ năm 2012 đến nay, v.v…

Tuy nhiên TS. Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng quá trình tái cơ cấu với ba trọng tâm vẫn chưa chạm đến các vấn đề cốt lõi, đó là: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chỉ mới tập trung vào cổ phần hóa doanh nghiệp mà không tách chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan chủ quản; tái cơ cấu đầu tư công đang tập trung quản lý tính tuân thủ mà chưa đưa ra được các cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư công một cách hiệu quả; tái cơ cấu ngân hàng đang chú trọng vào các vấn đề của ngân hàng hơn là đặt ngân hàng vào trong tổng thể nền kinh tế, và các khoản nợ xấu của hệ thống Ngân hàng không được xử lý rốt ráo đang là rào cản để lành mạnh hóa hệ thống Ngân hàng.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng vận hành hoạt động kinh tế phải là thị trường nhưng tái cơ cấu kinh tế phải bắt đầu từ nhà nước, bởi lẽ nhà nước quyết định luật chơi và thị trường vận hành theo luật chơi đó. Thị trường méo mó là do luật chơi chứ không phải là do thị trường. Trong thời gian tới cần tập trung vào đổi mới thể chế quản lý kinh tế, vấn đề cốt lõi của tái cơ cấu kinh tế.

 

Ảnh 3: TS. Lê Đăng Doanh phát biểu tại Hội thảo

Tham vấn cho báo cáo, TS. Lê Đăng Doanh nhận định trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng chủ yếu do khai thác tài nguyên và dựa vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong khi đó các cải cách tăng chậm, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp diễn biến chậm. Ông khuyến nghị trong thời gian tới cần làm rõ những tác động tới kinh tế Việt Nam khi  tình hình chứng khoán và kinh tế của Trung Quốc có những diễn biến phức tạp; xu thế hội nhập của Việt Nam khi các Hiệp định thương mại được ký kết. Ông cũng bày tỏ quan ngại  trong việc cải cách nâng cao  năng lực cạnh tranh của Việt nam có thể có hy vọng gì không và tình hình thực hiện Nghị quyết 19 có chuyển biến hơn trong 6 tháng cuối năm hay không.

Ảnh 4: TS. Lưu Bích Hồ phát biểu tại Hội thảo

TS. Lưu Bích Hồ thì cho rằng nhiều nhận định của báo cáo là xác đáng nhưng nên đánh giá vừa phải, nền kinh tế chưa hẳn đã có đà tăng trưởng mà chỉ mới hồi phục tăng trưởng.  Theo TS. Lê Xuân Bá cần đánh giá những thành công vừa qua trong bối cảnh kinh tế chính trị trong nước và trên thế giới. Những diễn biến của kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua và sắp tới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam trong tương lai? TS. Lê Đình Ân cho rằng trong 6 tháng vừa qua không thể không nói đến nỗi lo nông nghiệp và nông thôn. Nông nghiệp góp phần hỗ trợ đời sống của nông dân, ổn định vĩ mô nhưng vừa rồi chúng ta chưa làm tốt. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh lại cho rằng báo cáo cần có đánh giá sâu hơn về chuyển dịch lao động trong thời gian qua để có cái nhìn sâu hơn về năng suất lao động.

 

Ảnh 5: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi từ các chuyên gia kinh tế, các cán bộ nghiên cứu góp ý nhằm hoàn thiện Báo cáo.

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo. TS. Nguyễn Đình Cung ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo cho báo cáo và đây cũng là sinh hoạt thường kỳ của CIEM, sẽ gợi mở nhiều vấn đề hơn ở những báo cáo lần sau./.

Tài liệu tham khảo tại đây / hoặc tại Trung tâm Thông tin tư liệu, (CIEM)

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu (CIEM)                                                        

 

 

 


Tin tức khác