Hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ sáu ngành công nghiệp trong Chiến lược Công nghiệp hoá của Việt Nam - Nhật Bản”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ sáu ngành công nghiệp trong Chiến lược Công nghiệp hoá của Việt Nam - Nhật Bản”

24/08/2015 - 3640 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và ông Toma Masaaki - Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại biểu đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo các đơn vị và các cán bộ nghiên cứu của CIEM cùng một số cơ quan báo chí đến đưa tin.

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết  ngành điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô là 6 ngành công nghiệp được lựa chọn ra từ 36 ngành công nghiệp của Việt Nam và là những ngành Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển lớn. Mục tiêu Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đến năm 2020, các ngành được ưu tiên phát triển sẽ đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đến năm 2030, các ngành được ưu tiên phát triển chủ yếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, gắn với đảm bảo hợp lý về điều kiện kinh tế Việt Nam, v.v..

Ảnh: Ông Toma Masaaki - Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

 phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Toma Masaaki cho biết, Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức được 24 cuộc họp của các tiểu ban có liên quan. Trong đó Việt Nam và Nhật Bản đã đề cập đến các giải pháp và biện pháp cụ thể để phát triển 6 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể là đã đề ra các chính sách về ưu đãi thúc đẩy đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, v.v..  Bên cạnh đó, ông Toma Masaaki hy vọng Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp thích hợp để có thể cụ thể hóa các kế hoạch hành động cho Chiến lược công nghiệp hóa trong thời gian tới. Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế trình bày tham luận Tổng quan chính sách liên quan đến Công nghiệp hỗ trợ trong sáu ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển. Ông cho rằng để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước cần tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi và đưa ra những ưu đãi cụ thể hơn.

Tiếp theo là phần trình bày của bà Đỗ Thị Thuỳ Hương – Uỷ ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam về liên kết doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ở ngành công nghiệp điện tử. Bà cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình trong những năm gần đây của ngành điện tử là 10%. Tuy nhiên, hầu hết là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Qua đó, bà đề xuất một số giải pháp như miễn thuế nhập khẩu 5 năm; miễn, giảm thu thuế nhập doanh nghiệp; Chính phủ sớm ban hành các nghị định về công nghiệp hỗ trợ, cụ thể hoá chính sách ưu đãi; v.v..

Ông Vũ Tấn Công - Thư ký hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam giới thiệu  tổng quan về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay. Đồng thời, ông đưa ra các giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam như  thu xếp tín dụng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, chính phủ hỗ trợ về đào tạo, v.v...

TS. Nguyễn Mạnh Dũng - Cục chế biến nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết về thực trạng các doanh nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản của Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu, sản phẩm chất lượng chế biến còn chưa cao. Trên cơ sở  ông đưa ra một số đề xuất hỗ trợ từ phía Nhà nước như: khẩn trương xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên một số ngành công nghiệp hỗ trợ đối với chế biến nông sản, thuỷ sản, v.v..

Đề cập đến  kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn nước ngoài. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết  các quốc gia đều có các chương trình phát triển liên kết ngành. Tuy nhiên, cách thực hiện khác nhau nên dẫn tới sự phát triển khác nhau như Singapore thì phát triển vượt trội trong khi Thái Lan và Malaysia chưa thành công. Một trong những lý do quan trọng dẫn tới việc chưa thành công của hai nước này  là nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản và đầu tư tốt.

Ngoài ra, tại Hội thảo, các chuyên gia trình bày các tham luận về các vấn đề: Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản; Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở ngành Đóng tàu và Liên kết doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ở ngành Công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Sau phần trình bày của các chuyên gia, Hội thảo tiến hành thảo luận. Hầu hết các đại biểu và các chuyên gia cho rằng mục tiêu này rất khó để trở thành hiện thực khi mà Công nghiệp hỗ trợ cho 6 ngành ưu tiên vẫn chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Chính phủ cần phải xây dựng chính sách khuyến khích và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có việc bảo hộ các sản phẩm trong nước đã sản xuất được, cũng như hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần hoàn thiện những chính sách chung về thương mại, tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong 6 lĩnh vực ưu tiên

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh ghi nhận các ý kiến bình luận, đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời,  Bà bày tỏ  mong muốn sau Hội thảo này sẽ tổ chức những buổi Hội thảo tiếp theo đi sâu vào các vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ trong sáu ngành công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM

 

 


Tin tức khác