Hội thảo “Hợp tác đào tạo nhân lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động các ngành trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”
H%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo “Hợp tác đào tạo nhân lực thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động các ngành trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản”

30/09/2015 - 2783 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM và ông Toma Masaaki - Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện JICA, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan, Lãnh đạo các đơn vị và các cán bộ nghiên cứu của CIEM cùng một số cơ quan thông tấn, báo chí đến đưa tin.

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước đã xác định việc phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược của nước ta trong giai đoạn 2011-2020.Trên thực tế, sau gần 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá gắn với tri thức, đặc biệt là vẫn thiếu hụt đội ngũ lao động có kỹ năng, công nhân có kỹ thuật để phục vụ cho các ngành công nghiệp chiến lược. Nguyên nhân là do sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo còn yếu. Do đó việc tìm ra các giải pháp hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và vai trò của nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. 

Trong phần trình bày kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp (10 năm trước), TS. Yoichi Sakurada – Viện Nghiên cứu Mitsubishi, phân tích những dự án mà Nhật Bản đã thực hiện như dự án đào tạo nhân lực hạt nhân trong sản xuất, chế tạo thông qua liên kết doanh nghiệp - trường hợp (2005-2008); dự án thúc đẩy áp dụng chương trình đào tạo khởi nghiệp (2002-2006) hay dự án khấu trừ thuế theo hệ thống nhằm thúc đẩy đầu tư nhân lực (2005-2012). Bài trình bày đã gợi mở những kinh nghiệm của Nhật Bản để Việt Nam nghiên cứu áp dụng như: Việc điều phối và liên kết giữa doanh nghiệp – trường học – Nhà nước (PMO) hay việc cần minh bạch hoá xây dựng mục tiêu cũng như trong triển khai cần liên tục và có tính tự chủ; v.v…

Các bài tham luận của Việt Nam cũng rất có ý nghĩa nhằm cung cấp thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam. Đại diện cho Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, TS.Phạm Xuân Dương – Phó Hiệu trưởng trình bày tham luận mô hình hợp tác của trường Đại học Hàng hải Việt Nam với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, mô hình hợp tác với các doanh nghiệp tuy đã đạt được những kết quả cụ thể nhưng mới chỉ là bước đầu, cần có một sự đánh giá khách quan và điều chỉnh để có chiến lược phù hợp với điều kiện và tình hình mới. Qua đó, ông đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ như: cần có những chính sách quản lý nhân lực hàng hải, đóng tàu một cách khoa học, chính xác và có tính liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước; cần có chính sách ưu tiên miễn giảm học phí để khuyến khích sinh viên theo học ngành hàng hải, đóng tàu; v.v…

Đại diện cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS. Phạm Hoàng Lương – Phó Hiệu trưởng giới thiệu một số hợp tác đào tạo mà Trường đã thực hiện trong thời gian qua, điển hình như: Hợp tác đào tạo với Nissan Techno Vietnam, Hợp tác đào tạo với Toshiba và Hợp tác với MHI, v.v… Bên cạnh đó, trường Đại học Bách Khoa đã có 17 thoả thuận hợp tác với các công ty Nhật Bản, 36 Văn bản hợp tác được kí kết với các trường, viện từ Nhật Bản. PGS. TS. Lương cũng đưa ra một số đề xuất về phương thức hợp tác trong thời gian tới như: xây dựng chương trình đào tạo kiên kết năm cuối bám sát hơn với yêu cầu của doanh nghiệp; mở rộng cơ hội cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; kết hợp từng bước xây dựng các đề tài nghiên cứu; v.v…

Theo TS. Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Đánh giá kỹ năng nghề và quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện các quy định để khuyến khích hoặc bắt buộc các trường phải hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, bắt buộc các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề thông qua chính sách thuế, chính sách sử dụng đất đai, v.v… và quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia, hỗ trỡ của doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực. 

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết mặt trái của việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam là tỷ lệ sinh viên khi ra trường bị thất nghiệp rất nhiều. Bên cạnh đó việc xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là rất khó. Vì vậy việc đưa ra các giải pháp xây dựng cơ chế chính sách hợp tác giữa các bên là rất quan trọng. 

Ảnh: Ông Toma Masaaki - Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, ông Toma Massaski, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khuyến cáo, để Việt Nam trở thành nước công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề đặc biệt cần quan tâm. Đồng thời, khi đào tạo nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam cũng như các Bộ, ngành cần chú trọng đến số lượng và chất lượng, cũng như xác định được đâu là lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao, công nghệ cao; bao gồm cả đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS.Nguyễn Thị Tuệ Anh đã ghi nhận các ý kiến bình luận, đóng góp của các chuyên gia và đại biểu tham dự. Đồng thời, TS. Tuệ Anh cũng bày tỏ  mong muốn được Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ hợp tác liên kết với Việt Nam trong thời gian tới./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM) hoặc liên hệ qua: Email: tttl@mpi.gov.vn; ĐT: 04-37338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 


Tin tức khác