Hội thảo “Thông tư số 37 và mức độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm đối với sản phẩm dệt may”
H%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo “Thông tư số 37 và mức độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm đối với sản phẩm dệt may”

11/12/2015 - 2618 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, cơ quan, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia và một số cơ quan báo chí.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết vấn đề kiểm tra hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm trong các sản phẩm dệt may được quy định tạm thời tại Thông tư số 32/2009/TT-BCT. Sau 6 năm thực hiện với rất nhiều vướng mắc và kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 37. Tuy nhiên đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về Thông tư này. Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận và đánh giá mức độ phù hợp của Thông tư số 37 của Bộ Công thương với Nghị quyết số 19 của Chính phủ và mức độ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp của Thông tư số 37 này.

Ảnh 2: Ông Phạm Thanh Bình – Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) trình bày tham luận tại Hội thảo  

Tại Hội thảo, ông Phạm Thanh Bình – Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) đã điểm qua những bất cập của Thông tư số 32 và mức độ khắc phục tại Thông tư số 37. Theo ông Bình, Thông tư số 37 có một số sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhưng những sửa đổi này chủ yếu áp dụng cho những lô hàng nhỏ và những trường hợp không phổ biến (như hàng mẫu, triển lãm, hội chợ, v.v...). Do đó, về căn bản, những sửa đổi này chưa tháo gỡ được những bất cập của Thông tư số 32, thậm chí một số quy định còn kém thuận lợi so với Thông tư số 32. Bên cạnh đó, ông Bình còn so sánh Thông tư số 37 với Nghị quyết 19 và chỉ ra những tiến của Thông tư này như giảm mức độ kiểm tra đối với hàng hoá phục vụ mục đích đặc biệt; giảm mức độ kiểm tra đối với hàng có nhãn sinh thái; v.v… Tuy nhiên, xét theo tiêu chí lớn của Nghị quyết 19 thì Thông tư số 37 vẫn còn khoảng cách khá xa.

Ảnh 3: Ông Nguyễn Huy Lưu – Đại diện Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) trình bày tham luận tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Lưu – Đại diện Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết đối chiếu với Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra chất lượng dệt may nhập khẩu, Thông tư số 37 của Bộ Công thương đã hạn chế được các đối tượng hàng hoá nhập khẩu nhưng không sử dụng tại Việt Nam; giảm chỉ phí đầu tư của ngân sách nhà nước do quy định xã hội hoá việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu; v.v… Tuy nhiên, Thông tư số 37 vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn như: quy định về đối tượng loại trừ chưa phù hợp với điều chỉnh tại khoản 1 Điều 11; quy định về phương thức “kiểm tra giảm” trong khoản 10 Điều 3; v.v…

Trong phần thảo luận, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên già đều đồng tình với việc Thông tư số 37 vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và bất cập. Ví dụ như doanh nghiệp phải tốn từ 1,67 triệu đồng/mẫu hàng dệt may để kiểm tra. Quy định, mỗi lô một lô cần kiểm tra phải có từ 3-4 mẫu, có lô kiểm tra tới 7 mẫu. Về thời gian, doanh nghiệp phải chờ 3-5 ngày làm việc mới có kết quả, còn nếu muốn nhanh hơn thì phải tốn thêm chi phí (khoảng 700.000 đồng lấy trong ngày). Do vậy, nếu Thông tư không sớm được sửa đổi về phí công ty thì các doanh nghiệp sẽ tốn kém khá nhiều chi phí lưu kho và thời gian cho vấn đề này.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, yêu cầu của Nghị quyết 19 đối với sửa đổi, bổ sung pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hành hoá xuất nhập khẩu, trong đó có Thông tư số 32 là giảm số lượng hồ sơ; công khai hoá tiêu chuẩn áp dụng; đơn giản hoá nội dung hồ sơ; v.v… Tuy nhiên, nội dung của Thông tư số 37 chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 19. TS.Cung cho biết bên cạnh một số ưu điểm được ghi nhận, Thông tư số 37 của Bộ Công thương vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý, cản trở, gây khó cho DN dệt may. Ví dụ như yêu cầu kiểm tra tại cửa khẩu và doanh nghiệp phải lưu kho,v.v... Đây là những tiêu chí kém thuận lợi bởi trên thực tế Hải Quan đều cho phép doanh nghiệp chuyển hàng về kho rồi kiểm tra. Nếu những tồn tại này không sớm được sửa đổi thì sẽ gây phiền toái cho các doanh nghiệp. Do đó, TS. Cung khuyến nghị Bộ Công thương nên xem xét và đình chỉ hiệu lực thi hành thông tư 37 và nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 32 theo đúng Nghị quyết 19.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo 

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung  cảm ơn sự tham dự cũng như đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và các chuyên gia tham dự Hội thảo./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

hoặc liên hệ  ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu

 

 


Tin tức khác