Hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

19/04/2016 - 2656 lượt xem

Ảnh 1: Ban chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, so với yêu cầu chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập thì vẫn còn nhiều khiếm khuyết và cách biệt so với thế giới. Trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường như: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo TS Nguyễn Đình Cung, mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nền kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu, chất lượng chưa được cải thiện, chưa tạo được đột phá phát triển kinh tế- xã hội, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, v.v…

Ảnh 2: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án RCV phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, TS. Đăng Quang Vinh – Nghiên cứu viên Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng bộ máy nhà nước chưa có tư duy thị trường, tư duy cạnh tranh dẫn tới nền kinh tế hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc ra nhập thị trường còn quá nhiều rào cản dẫn tới việc hạn chế cạnh tranh, hạn chế phát triển.

Ảnh 3: TS. Đăng Quang Vinh – Nghiên cứu viên Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo, GS. Michael Woods cho rằng thời gian qua chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng đến tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua các Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Nghị quyết 19/NQ-CP tháng 3/2015 đã đề cập đến cạnh tranh công bằng, nâng cao năng suất, chất lượng, v.v. Tuy nhiên, Giáo sư Woods khuyến nghị Việt Nam cần có cải cách trong chính sách cạnh tranh để tạo dựng một khung khổ thể chế đủ mạnh nhằm thúc đẩy cạnh tranh và phát triển thị trường. Đặc biệt, ông cho biết mô hình tổ chức Hội đồng cạnh tranh của Việt Nam không giống thông lệ quốc tế vì các thành viên là lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Thông lệ thế giới cho thấy thành viên của hội đồng này thường là các chuyên gia độc lập, các giao sư đại học và các quan chức cao cấp đã nghỉ hưu. Có như vậy, hội đồng cạnh tranh mới có phán quyết độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Ảnh 4: GS. Michael Woods - Chuyên gia tư vấn quốc tế về chính sách cạnh tranh chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, trong số các nền kinh tế tham gia TPP, thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế lẫn năng lực của doanh nghiệp. Do đó Nhà nước cần chú trọng việc xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh nhằm phát huy được hiệu quả việc hội nhập kinh tế.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng một trong những giải pháp trong cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020 đó là phân định rõ chức năng của nhà nước và chức năng của thị trường. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. TS. Cung cảm ơn những chia sẻ kinh nghiệm của GS. Michael Woods và hy vọng Đại sứ quán Ốt-xtrây-li-a cũng như Dự án RCV sẽ tiếp tục đồng hành cùng với CIEM trên con đường nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện nhằm phát triển kinh tế Việt Nam bền vững./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM) Email: tttl@mpi.gov.vn

ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác