Hội thảo “Tác động của chính sách tài khoá đến tăng trưởng kinh tế”
Hội thảo

Hội thảo “Tác động của chính sách tài khoá đến tăng trưởng kinh tế”

26/12/2016 - 2385 lượt xem

Kết quả của hội thảo sẽ phục vụ cho công tác tham mưu, góp ý các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Chính phủ. Hội thảo do PGS.TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham gia Hội thảo có các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện Hội nhà báo, đại diện một số cơ quan Trung ương và Hà Nội.

Ảnh 1: PGS.TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Vũ Sỹ Cường – Bộ môn Phân tích chính sách, Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) cho rằng để tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam trong dài hạn, cần phải hiểu rõ bản chất của mối quan hệ giữa chính sách tài khoá và tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đưa ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam như: tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách chi tiêu công từ hỗ trợ gián tiếp sang hỗ trợ trực tiếp trong các lĩnh vực y tế và giáo dục cần xem xét vấn đề công bằng và khả năng tiếp cận dịch vụ; v.v…

Ảnh 2: TS. Vũ Sỹ Cường – Bộ môn Phân tích chính sách, Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong phần trình bày “Tác động của chính sách tài khoá đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1990 đến nay” của PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Quản lý kinh tế (CIEM), chính sách tài khoá là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ sử dụng để huy động, phân phối và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Thông qua việc phân tích một số vấn đề lý luận về chính sách tài khoá và đo lường xung lực tài khoá cho Việt Nam, PGS.TS. Nguyệt đưa ra một số định hướng giải pháp cho việc điều hành chính sách tài khoá nhằm ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh 3: PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Quản lý kinh tế (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Về “Phân tích tác động của chính sách tài khoá đến tăng trưởng kinh tế và ngụ ý chính sách cho Việt Nam”, PGS.TS. Bùi Đại Dũng – Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia HN) cho biết chính sách tài khoá có ảnh hưởng phức tạp đến tăng trưởng thông qua các hoạt động thu và chi ngân sách. Thông qua việc phân tích số liệu vĩ mô của hơn 124 nền kinh tế trên thế giới giai đoạn 2005-2015, PGS.TS. Dũng rút ra một số kết luận sau: Quy mô chi tiêu công của hầu hết các quốc giá trong phân tích đều vượt quá quy mô tối ưu và gây tổn hại đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy mô chi tiêu công và thuế suất của Việt Nam đều cao hơn chỉ số trung vị của 124 nước trong nghiên cứu; v.v…

Ảnh 4: PGS.TS. Bùi Đại Dũng – Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia HN) trình bày tại Hội thảo

Ảnh 5: TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo

PGS. TS. Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Quản lý kinh tế, thay mặt cho Tạp chí Quản lý kinh tế, ban tổ chức, cảm ơn sự tham gia và cộng tác của các diễn giả, khách mời tham dự. Tạp chí mong tiếp tục nhận được trao đổi, chia sẻ về chủ đề hội thảo, đồng thời Tạp chí luôn hợp tác, hỗ trợ của các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu và đăng tải các công trình nghiên cứu về quản lý kinh tế.

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Trần Kim Chung cảm ơn bài trình bày nhiều thông tin của các các diễn giả. Phó Viện trưởng Chung mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia và đại biểu đối với các nghiên cứu, báo cáo về chủ đề này của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong thời gian tới./.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM). 


Tin tức khác