Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam”
Hội thảo

Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị ở Việt Nam”

06/01/2017 - 4047 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM và ông Lê Thanh – Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ các Bộ, ngành có liên quan, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và một số báo chí đến đưa tin.

Ảnh 1: Ban chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết hiện nay, Việt Nam có 3 loại dịch vụ công là hành chính công, sự nghiệp công và công ích. Trong đó, lĩnh vực công ích là lĩnh vực dễ thực hiện xã hội hóa nhất trong số 3 lĩnh vực công. Việc áp dụng xã hội hóa thành công lĩnh vực công ích sẽ tạo tiền đề cho xã hội hóa các lĩnh vực còn lại.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo đề dẫn “Cung ứng dịch vụ công ích trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”. Theo đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng hàng hoá và dịch vụ công: đảm bảo các dịch vụ công cơ bản được cung cấp cho xã hội ở mức độ và chất lượng tối thiểu và đảm bảo tính công bằng cho người dân. Nhà nước cũng có vai trò tạo ra các điều kiện khung để khuyến khích đầy đủ được chức năng điều phối từ sự cạnh tranh, cũng như khuyến khích việc sẵn sàng cung cấp các dịch vụ công, đồng thời thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc cung ứng và chất lượng dịch vụ công nói chung và dịch vụ công ích nói riêng.

Ảnh 3: TS. Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) trình bày báo cáo đề dẫn

Trong bài trình bày “Chất lượng dịch vụ công tại 5 đô thị lớn nhất Việt Nam từ đánh giá của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã phân tích kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2015 từ 5 đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ. Ông cho rằng dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến mức độ hài lòng của người sử dụng.

Ảnh 4: Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Thanh cho rằng một trong những thuận lợi của Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích là việc tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia lĩnh vực này. Bên cạnh đó, NĐ 130/2013/NĐ-CP vẫn còn một số hạn chế như các điều khoản về phương thức lựa chọn đơn vị cung ứng vẫn còn mâu thuẫn, thiếu rõ ràng.

Ảnh 5: Ông Lê Thanh – Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền phát biểu tại Hội thảo

Về thực trạng thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết sự gia tăng nước thải từ các khu công nghiệp, từ các làng nghề đang dẫn đến sự ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, đặc biệt là ở lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai.

Ảnh 6: Ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc đổi mới để việc cung ứng dịch vụ công mang yếu tố thị trường nhiều hơn, để người tiêu dùng được hưởng lợi là việc rất cần thiết.

Ảnh 7: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin của các diễn giả cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Viện trưởng Cung đề xuất nên thay đổi từ quản lý “đầu vào” theo cơ chế hành chính sang quản lý “đầu ra” theo cơ chế kinh tế thị trường để tạo dư địa cho các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, tăng lợi nhuận và nâng cao sức cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ công./.

 

Tệp đính kèm: Tài liệu Hội thảo

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM). 

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930


Tin tức khác