Hội thảo “Chuyển giao doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)”
H%E1%BB%99i%20th%E1%BA%A3o

Hội thảo “Chuyển giao doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)”

21/02/2017 - 1971 lượt xem

Để có cơ sở đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định, ngày 21/02/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Chuyển giao doanh nghiệp về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)” nhằm lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc chuẩn bị xây dựng phương án xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu trên. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện đến từ các Bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, SCIC, các doanh nghiệp và các chuyên gia.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là giải pháp quan trọng trong quá trình cơ cấu lại khu vực DNNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Do đó đây là công tác quan trọng, được Chính phủ quan tâm và đốc thúc triển khai trong thời gian qua.

Ảnh 2: Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo

Thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày về thực trạng chuyển giao doanh nghiệp về SCIC, Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM cho biết đến nay, SCIC đã tiếp nhận hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng số vốn 9.900 tỷ đồng, trong đó 80% là doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả. Sau khi được SCIC tiếp nhận, các doanh nghiệp này đều đạt kết quả kinh doanh tốt (Tỷ suất ROE bình quân trong giai đoạn 2011-2015 đạt 18-20%). Tuy nhiên, vẫn còn 173 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao nhưng SCIC và các bộ, UBND tỉnh chưa thống nhất. Trong đó có 141 doanh nghiệp thuộc UBND và 32 doanh nghiệp thuộc bộ.

Ảnh 3: Ông Nguyễn Hồng Hiển - Phó Tổng giám đốc SCIC trình bày tại Hội thảo

Chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai công tác tiếp nhận bàn giao của SCIC, ông Nguyễn Hồng Hiển - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết nhiều bộ, UBND tỉnh vẫn chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC. Một số bộ ngành muốn giữ lại doanh nghiệp để quản lý hoặc tiến hành bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Qua đó, ông Hiển đề xuất một số kiến nghị như: phối hợp với các bộ, ngành, UBND rà soát lại danh sách doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo quy định tại Nghị định 151 và Thông tư 118; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC.

Trong phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều cho rằng pháp luật vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, không rõ ràng trong việc xác định đối tượng chuyển giao hay quy định về thời hạn chuyển giao dẫn đến những khó khăn trong việc chuyển giao doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e dè, ngại thay đổi dẫn đến việc chậm chuyển giao.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin của các diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Viện trưởng Cung cho biết Viện sẽ sớm hoàn thành báo cáo để trình lên Chính phủ xem xét và quyết định hướng xử lý đối với danh mục các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC nhưng các Bộ, UBND cấp tỉnh và SCIC chưa thống nhất việc chuyển giao./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác