Số 86, tháng 1+2/2018
Đặt mua

Số 86, tháng 1+2/2018

06/03/2018 - 9777 lượt xem

MỤC LỤC

Số 86, tháng 1 + 2/ 2018

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI
HỒ ĐÌNH BẢO, TRƯƠNG NHƯ HIẾU
Các nhân tố tác động đến hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam
NGUYỄN QUỐC VIỆT, LƯƠNG THỊ NGỌC HÀ, HÀ THỊ NHƯ HUẾ
Đầu tư cho dịch vụ công nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững ở Việt Nam
VŨ ĐỨC HIẾU, TRẦN THỊ THÙY LINH, NGUYỄN PHƯƠNG MAI
Tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế các nước Đông Nam Á

 

KINH NGHIỆM THỰC TIỄN

VŨ THỊ KIM ANH 
Tăng cường hoạt động kiểm soát nội bộ trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập Việt Nam 
TRẦN MINH ĐỨC 
Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
NGUYỄN HOÀNG TUẤN
Một số giải pháp giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thực hiện tốt quy tắc xuất xứ hàng hóa ASEAN

 

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

CHÂU NGỌC HÒE, NGUYỄN THỊ THANH VÂN
Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh hiện nay
NGUYỄN THỊ THU HẰNG, NGUYỄN THỤC ANH 
Nguyên tắc giáo dục kinh doanh có trách nhiệm và khả năng ứng dụng tại Việt Nam
VŨ MINH ĐỨC 
Một số vấn đề về đánh giá tác động của truyền thông marketing tương tác

 

CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Bài viết là một phần kết quả của đề tài khoa học cấp Quốc gia, ĐTĐL.XH.08/15: "Mô hình tăng trưởng hài hòa ở Việt Nam tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp”.

Hồ Đình Bảo, PGS.TS., Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trương Như Hiếu, ThS., Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngày nhận: 14/09/2017

Ngày nhận bản sửa: 26/09/2017

Ngày duyệt đăng: 03/01/2018

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu ước lượng các nhân tố tác động khả năng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu – phát triển (R&D) và hoạt động đổi mới sáng tạo của khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả ước lượng cho thấy các yếu tố phản ánh mức độ khó khăn trong tiếp cận nguồn lực về lao động kỹ năng, tài chính và thông tin từ bên ngoài có rất ít ảnh hưởng đến đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất cũng như tìm kiếm sản phẩm mới của doanh nghiệp. Hội nhập quốc tế có khả năng ảnh hưởng tích cực đến xác suất đầu tư cho hoạt động R&D và đổi mới sáng tạo. Quy mô doanh nghiệp, trình độ lao động và tỷ lệ lao động trực tiếp được đào tạo là những nhân tố đặc tính quan trọng nhất quyết định khả năng thực hiện đầu tư cho R&D và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Từ khóa: mô hình Probit, R&D, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng hài hòa.

 

ĐẦU TƯ CHO DỊCH VỤ CÔNG NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC GÓP PHẦN CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH TẾ BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

Nguyễn Quốc Việt, TS., Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lương Thị Ngọc Hà, ThS., Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hà Thị Như Huế, ThS., Trường Chính trị Tỉnh Phú Thọ.

 

Ngày nhận: 19/10/2017                                        

Ngày nhận bản sửa: 09/12/2017

Ngày duyệt đăng: 04/01/2018

Tóm tắt           

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng của Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt là trong vòng 15 năm trở lại đây, thể hiện qua các chỉ số về tăng trưởng GDP, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP và hệ số ICOR. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự đầu tư cho nhân lực của nước ta, cụ thể là đầu tư công cho y tế và giáo dục chưa tương xứng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư cho y tế và giáo dục có tác động lâu dài tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng bền vững. Mặc dù tỷ lệ đầu tư cho hai lĩnh vực này đã tăng đáng kể trong vòng 5 năm trở lại đây và thuộc nhóm trung bình trong khu vực, mức độ chi tuyệt đối trên đầu người lại thấp và còn nhiều bất cập, như đầu tư dàn trải, tập trung vào số lượng mà chưa quan tâm nhiều vào chất lượng. Hơn nữa, nguồn đầu tư cho lĩnh vực này vẫn chủ yếu là đầu tư công, chưa có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân.

Từ khóa: dịch vụ công, chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi mô hình kinh tế, mô hình kinh tế bền vững.

 

TÁC ĐỘNG CỦA XUẤT KHẨU ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CÁC NƯỚC
ĐÔNG NAM Á

Vũ Đức Hiếu, ThS., Trường Đại học Thăng Long.

Trần Thị Thùy Linh, TS., Trường Đại học Thăng Long.

Nguyễn Phương Mai, ThS.-NCS., Trường Đại học Thăng Long.

Ngày nhận: 23/06/2017

Ngày nhận bản sửa: 30/07/2017

Ngày duyệt đăng: 22/12/2017

 

Tóm tắt

Nghiên cứu này tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu, độ mở về thương mại với tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu sử dụng mô hình ảnh hưởng cố định (Fixed Effects - FE) và mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (Random Effects - RE) đã chỉ ra tác động tích cực của tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và độ mở về thương mại đến tăng trưởng kinh tế cho 7 nước, bao gồm Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin, Sing-ga-po, Thái Lan và Việt Nam trong giai đoạn 1993 - 2014. Trên cơ sở phân tích định tính và phân tích định lượng, nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị về mặt chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước.

Từ khóa: mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên, mô hình ảnh hưởng cố định, xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, ASEAN.

 

TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VIỆT NAM

Vũ Thị Kim Anh TS, Trường Đại học Công đoàn.

Ngày nhận: 20/06/2017

Ngày nhận bản sửa: 30/10/2017

Ngày duyệt đăng: 12/01/2018

Tóm tắt

Kiểm soát nội bộ là một biện pháp quan trọng trong công tác quản lý tài chính công, góp phần bảo đảm quản lý và sử dụng tài chính công đúng mục đích và hiệu quả, nhằm khôi phục đúng giá trị của nguồn nội lực, cơ cấu lại công tác tổ chức quản lý hướng tới sự hợp lý, chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát nội bộ (KSNB) trong quản lý và sử dụng tài sản công (TSC) tại các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) Việt Nam hiện nay còn một số vướng mắc, hạn chế như công tác hướng dẫn cơ chế, chính sách về KSNB tại các đơn vị SNCL chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ; chưa có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa hoạt động KSNB với công tác ngoại kiểm; công tác tổ chức thực hiện KSNB chưa thực sự có chiều sâu; công tác công khai kết quả KSNB chưa được chú trọng đúng mức… Do đó, việc nghiên cứu để tăng cường hoạt động KSNB về quản lý và sử dụng TSC tại các đơn vị SNCL là rất cần thiết.

Từ khóa: kiểm soát nội bộ, tài sản công, sự nghiệp công lập.

 

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN

Trần Minh Đức, TS., Trường Đại học Thủ Dầu Một.

 

Ngày nhận: 13/06/2017

Ngày nhận bản sửa: 21/07/2017

Ngày duyệt đăng: 15/12/2017

Tóm tắt

Tây Nguyên là khu vực thuộc vùng cao của Việt Nam với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhìn chung đến nay bộ mặt vùng đất đa dân tộc này đã có những thay đổi đáng kể so với trước. Tuy vậy sự phát triển của vùng thời gian qua vẫn trong nhịp độ chậm, tình trạng khó khăn, nghèo đói còn chiếm tỷ lệ cao, đời sống giữa các địa phương và giữa người Kinh với người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách chênh lệch. Bài viết chỉ ra những khó khăn lớn trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc trong vùng đang gặp phải, từ đó nêu ra một số kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong thời gian tới.

Từ khóa: hiệu quả sản xuất nông nghiệp, dân tộc thiểu số, Tây Nguyên.

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU VIỆT NAM THỰC HIỆN TỐT QUY TẮC XUẤT XỨ HÀNG HÓA ASEAN

Nguyễn Hoàng Tuấn, ThS., Học viện Tài chính.

 

Ngày nhận: 01/06/2017

Ngày nhận bản sửa: 19/06/2017

Ngày duyệt đăng: 15/12/2017

 

Tóm tắt

Đáp ứng những yêu cầu cầu quy tắc xuất xứ hàng hoá là một điều kiện quan trọng để được hưởng thuế quan ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN trong những năm qua cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng những quy định về xuất xứ hàng hoá ASEAN. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường các nước ASEAN. Trên cơ sở phân tích việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá xuất khẩu sang các nước ASEAN, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tốt quy tắc xuất xứ hàng hoá trong ASEAN thời gian tới.

Từ khóa: thuế quan ưu đãi, quy tắc xuất xứ hàng hoá, ASEAN.

 

TĂNG TRƯỞNG XANH TRONG NÔNG NGHIỆP VÙNG NAM TRUNG BỘ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Châu Ngọc Hòe, ThS., Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ.

Nguyễn Thị Thanh Vân, ThS., Học viện Chính trị khu vực III.

 

Ngày nhận: 13/06/2017

Ngày nhận bản sửa: 23/08/2017

Ngày duyệt đăng: 28/12/2017

 

Tóm tắt

Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp là hướng đi mới nhằm phát triển bền vững nền nông nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, việc nghiên cứu lý luận về tăng trưởng xanh và vận dụng vào phát triển bền vững ngành nông nghiệp ở cấp độ vùng là hết sức cần thiết. Thời gian qua, ngành nông nghiệp ở vùng Nam Trung Bộ (NTB) đã đạt được một số thành công bước đầu trong việc dần chuyển đổi từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hướng xanh hóa hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, các kết quả xanh hóa sản xuất nông nghiệp tại đây còn khá mờ nhạt, chủ yếu thể hiện ở một số hình thức và mô hình mang tính thử nghiệm, mức độ phổ biến còn rất thấp. Nghiên cứu này tập trung phân tích thực trạng một số mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ở vùng NTB, nhận diện những rào cản và đề xuất khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa sản xuất nông nghiệp vùng NTB trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: nông nghiệp, nông nghiệp xanh, tăng trưởng xanh, Nam Trung Bộ.

 

NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC KINH DOANH CÓ TRÁCH NHIỆM VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TẠI VIỆT NAM

Nguyễn Thị Thu Hằng, TS., Trường Đại học Ngoại thương.

Nguyễn Thục Anh, TS., Trường Đại học Ngoại thương.

Ngày nhận: 06/10/2017

Ngày nhận bản sửa: 07/11/2017

Ngày duyệt đăng: 05/01/2018

 

Tóm tắt

Giáo dục kinh doanh có trách nhiệm có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các nhà quản trị vì mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao được năng lực của những nhà kinh doanh tương lai trong việc tạo ra giá trị lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và xã hội thông qua việc thay đổi nội dung, phương pháp cũng như môi trường giáo dục, kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu và trao đổi với doanh nghiệp, cộng đồng. Bài viết đề cập đến Nguyên tắc Giáo dục kinh doanh có Trách nhiệm (Principles of Responsible Management Education – PRME), việc ứng dụng của các nguyên tắc này tại các trường đại học trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam.

Từ khóa: nguyên tắc, giáo dục, giáo dục kinh doanh có trách nhiệm, phát triển bền vững.

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA TRUYỀN THÔNG MARKETING TƯƠNG TÁC

Vũ Minh Đức, PGS.TS., Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ngày nhận: 05/09/2017

Ngày nhận bản sửa: 28/09/2017

Ngày duyệt đăng: 15/12/2017

 

Tóm tắt

Truyền thông marketing tương tác là việc sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến hoặc truyền thống để tăng cường giao tiếp với người tiêu dùng và sự tương tác giữa khách hàng với nhà tiếp thị. Không có sự khác nhau về mục tiêu của truyền thông truyền thống và truyền thông tương tác nhưng không thể áp dụng cách thức như nhau trong đánh giá tác động của hai phương thức truyền thông này do sự thay đổi về vai trò của người tiêu dùng trong truyền thông marketing. Các phương pháp đánh giá tác động của truyền thông marketing tương tác tập trung vào đánh giá quá trình kiểm soát, sự nhận thức và phản hồi của khách hàng, kết quả sử dụng phương tiện tương tác và sự hài lòng và tin tưởng của khách hàng trong quá trình tương tác.

Từ khóa: truyền thông marketing tương tác, đánh giá tác động.

 

Tạp chí mới nhất



Tạp chí xem nhiều nhất