Số 84, tháng 9+10/2017
Giới thiệu

Số 84, tháng 9+10/2017

17/10/2017 - 13294 lượt xem

 

SỐ 84 (THÁNG 9-10/2017)
Tên bài Tác giả Trang
NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI    
Quan hệ giữa tăng năng suất các nhân tố tổng hợp với tăng năng suất vốn và tăng năng suất lao động TĂNG VĂN KHIÊN, NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG 3
Thúc đẩy kết nối hàng Việt với kênh phân phối bán lẻ trong bối cảnh mới hội nhập kinh tế quốc tế VÕ PHƯỚC TẤN, PHẠM XUÂN THU 8
Một số giải pháp phát triển hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ cá tra các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long PHẠM THỊ THÙY LINH, NGUYỄN THANH TÙNG 22
KINH NGHIỆM THỰC TIỄN    
Các nhân tố ảnh hưởng đến đến ý định rời bỏ công ty ĐÀO THỊ THANH LAM 30
Mexico và NAFTA: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam gia nhập TPP  NGUYỄN TÔN NHÂN  38
Giải pháp phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản – Bài toán góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam BÙI THỊ KIM THOA  46
MÔI TRƯỜNG KINH DOANH    
Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân: Trường hợp nghiên cứu huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang TRẦN THỊ THU HÀ, NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG 56
Các nhân tố tác động đến quản trị lợi nhuận – Bằng chứng tại các công ty niêm yết Forbes Việt Nam TRẦN QUỐC THỊNH 65
Vai trò của khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới đối với nền kinh tế Việt Nam NGUYỄN TUẤN ANH 74

QUAN HỆ GIỮA TĂNG NĂNG SUẤT CÁC NHÂN TỐ TỔNG HỢP VỚI TĂNG NĂNG SUẤT VỐN VÀ TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG

Tăng Văn Khiên* và Nguyễn Thị Tuyết Nhung**

Tóm tắt

Để làm rõ quan hệ tính toán giữa tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp với tăng năng suất vốn và tăng năng suất lao động, tác giả đã chứng minh tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp bằng số bình quân cộng (bình quân số học) gia quyền giữa hai đại lượng (i) tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất do tăng năng suất vốn và (ii) tỷ lệ tăng lên của kết quả sản xuất do tăng năng suất lao động. Tác giả đã sử dụng cùng một nguồn số liệu thử nghiệm tính toán tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp theo hai cách tiếp cận có kết quả như nhau.

Từ khóa: năng suất các nhân tố tổng hợp, TFP, năng suất vốn, năng suất lao động.

* Tăng Văn Khiên, PGS.TS., Hội Thống kê Việt Nam.

** Nguyễn Thị Tuyết Nhung, TS., Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội

 

 

THÚC ĐẨY KẾT NỐI HÀNG VIỆT VỚI KÊNH PHÂN PHỐI BÁN LẺ TRONG BỐI CẢNH MỚI HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Võ Phước Tấn* và Phạm Xuân Thu**

Tóm tắt

Tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức trên 12%/năm, với tổng mức doanh thu bán lẻ đạt trên 85,3 tỷ USD trong năm 2015 cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam mang vóc dáng mới, tính kết nối sản xuất cao hơn và ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nhà phân phối bán lẻ trong nước và ngoài nước. Bài viết sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp gắn với quan sát có kế thừa số liệu để nhận diện rõ hơn thực trạng kết nối hàng Việt với kênh phân phối bán lẻ và đề xuất giải pháp phát triển bền vững khi nước ta ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới được ký kết.

Từ khóa: kết nối, hàng Việt, kênh phân phối bán lẻ.

* Võ Phước Tấn, PGS.TS., Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Công Thương.

** Phạm Xuân Thu, TS., Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Công Thương

 

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỢP ĐỒNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT – TIÊU THỤ CÁ TRA CÁC TỈNH VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Phạm Thị Thùy Linh* và Nguyễn Thanh Tùng**

Tóm tắt

Bài báo tập trung phân tích, đánh giá việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ cá Tra các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ cá Tra. Trên cơ sở nghiên cứu, bài báo đề xuất một số giải pháp phát triển hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ cá Tra các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sau: (1) tăng cường vai trò của các doanh nghiệp có đủ tiềm lực thực hiện hình thức hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ cá Tra trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo; (2) hỗ trợ tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất cho người nuôi; (3) củng cố và phát triển vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác và (4) tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ cá Tra thông qua hợp đồng.

Từ khóa: liên kết, hợp đồng, sản xuất – tiêu thụ cá Tra.

* Phạm Thị Thùy Linh, ThS., Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản.

** Nguyễn Thanh Tùng, TS., Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản.

 

 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẾN Ý ĐỊNH RỜI BỎ CÔNG TY

Đào Thị Thanh Lam*

Tóm tắt

Bài viết trình bày các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến ý định rời bỏ của nhân viên Công ty SPD (đã đổi tên) thông qua điều tra 59 người và phỏng vấn sâu 9 người. Kết quả cho thấy trong các nhân tố thì lãnh đạo, đãi ngộ là hai nhân tố đầu tiến khiến nhân viên có ý định rời bỏ công ty, tiếp đó là các nhân tố về cơ hội đào tạo và phát triển, môi trường làm việc, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư, mối quan hệ với đồng nghiệp và cuối cùng là văn hóa công ty. Nghiên cứu này một lần nữa khẳng định đãi ngộ không phải là nhân tố tác động lớn nhất trong việc nhân viên có ý định rời bỏ công ty, mà lãnh đạo mới là nhân tố đầu tiên khiến họ có ý định ra đi.

Từ khóa: quản trị nguồn nhân lực, ý định rời bỏ công ty, đào tạo phát triển, môi trường làm việc, lãnh đạo, văn hóa công ty.

* Đào Thị Thanh Lam, TS., Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

 

MEXICO VÀ NAFTA: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM GIA NHẬP TPP

Nguyễn Tôn Nhân*

Tóm tắt

Cách đây hơn 20 năm, Mexico gia nhập NAFTA (hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ) cùng với 2 cường quốc Mỹ và Canada với hy vọng hiệp định này sẽ giúp Mexico phát triển về nhiều mặt như: tăng thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động, mức lương, công ăn việc làm, khắc phục tình trạng đói nghèo lạc hậu… Với nhiều đặc điểm tương đồng với Mexico tại thời điểm tham gia NAFTA: các ngành chủ lực của Việt Nam thường là các ngành có độ thâm dụng lao động lớn và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn đang chiếm hơn 18% GDP và sử dụng hơn 40% lao động, Việt Nam mong muốn tham gia TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) với hy vọng sẽ đạt được những cột mốc phát triển mới. Tuy nhiên, liệu TPP có đem lại những thành công như mong đợi? Việt Nam có phải là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất? Bài viết tập trung nghiên cứu những khía cạnh được và mất của Mexico sau hơn 20 năm tham gia NAFTA và là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi gia nhập TPP.

Từ khóa: TPP, Mexico và NAFTA, bài học kinh nghiệm, Việt Nam.

* Nguyễn Tôn Nhân, ThS., Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế - Tài Chính, Đại Học Kinh Tế Luật.

 

 

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN – BÀI TOÁN GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VIỆT NAM

Bùi Thị Kim Thoa*

Tóm tắt

Phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam là một trong những động lực to lớn để phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, phát triển doanh nghiệp chế biến còn giúp tạo nhiều việc làm, giải quyết bài toán dư thừa lao động khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, các doanh nghiệp chế biến của Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn không chỉ xuất phát từ bản thân doanh nghiệp mà còn từ chính đặc thù nền sản xuất nông nghiệp của nước ta. Nhà nước cũng đã có những chính sách nhất định để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp chế biến và khắc phục những khó khăn mà ngành nông nghiệp nước nhà mang lại, nhưng hiệu quả chưa lớn. Để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp chế biến nông sản, cần sự chung tay góp sức rất lớn của người nông dân, doanh nghiệp và nhà nước. Các doanh nghiệp chế biến cần liên kết lại với nhau, đồng thời liên kết chặt chẽ với người nông dân với sự hỗ trợ của Nhà nước vào nông nghiệp và doanh nghiệp chế biến.

Từ khóa: doanh nghiệp, chế biến nông sản, nông thôn, Việt Nam.

* Bùi Thị Kim Thoa, ThS., Học viện Chính trị Khu vực I.

 

 

PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN CHO NÔNG DÂN: TRƯỜNG HỢP NGHIÊN CỨU HUYỆN TÂN YÊN, TỈNH BẮC GIANG

Trần Thị Thu Hà* và Nguyễn Thị Mai Hương**

Tóm tắt

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ở Việt Nam có hiệu lực từ năm 2008, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ tham gia của nông dân còn rất thấp. Nghiên cứu thực hiện tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm phát triển BHXH tự nguyện và nâng cao tỷ lệ tham gia của nông dân. Kết quả nghiên cứu cho thấy mong muốn tham gia BHXH tự nguyện của nông dân là rất lớn nhưng tỷ lệ tham gia rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như thu nhập của người nông dân còn thấp và không ổn định, mức độ hiểu biết của người dân về BHXH tự nguyện còn hạn chế, thủ tục rườm rà, công tác dịch vụ còn mang nặng tính hành chính, công tác thông tin truyền thông chưa phát huy hết tác dụng. Các giải pháp tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH; cải thiện chất lượng dịch vụ BHXH; nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHXH tự nguyện; và tăng cường các giải pháp hỗ trợ sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân.

Từ khóa: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, nông dân, Tân Yên, Bắc Giang.

* Trần Thị Thu Hà, TS., Trường Đại học Lâm nghiệp.

** Nguyễn Thị Mai Hương, ThS., Bảo hiểm xã hội huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

 

 

CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUẢN TRỊ LỢI NHUẬN – BẰNG CHỨNG TẠI CÁC CÔNG TY NIÊM YẾT FORBES VIỆT NAM

Trần Quốc Thịnh*

Tóm tắt

Trong xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế, nhiều vấn đề đặt ra cho các công ty trước những thách thức toàn cầu bởi sức ép cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều công ty đã có những chiến lược bứt phá, vươn lên để chiếm lấy vị thế đối với nhà đầu tư, nhưng cũng có một số doanh nghiệp chỉ sử dụng một số cách thức đối với quản trị lợi nhuận (AD). Với mục đích xem xét các nhân tố tác động đến AD của các công ty niêm yết của Forbes Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2016, tác giả đã kiểm định mô hình và kết quả nghiên cứu cho thấy biến tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã ảnh hưởng thuận chiều trong khi đó biến quy mô công ty tác động nghịch chiều đến AD. Từ đó, tác giả gợi ý một số chính sách cho các nhà quản lý của công ty niêm yết, các cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư để có những nhìn nhận và đánh giá xác đáng đối với AD của các công ty niêm yết.

Từ khóa: quản trị lợi nhuận, công ty niêm yết, thị trường chứng khoán, công ty Forbes.

* Trần Quốc Thịnh, TS., Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

VAI TRÒ CỦA KHU HỢP TÁC KINH TẾ XUYÊN BIÊN GIỚI ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Nguyễn Tuấn Anh*

Tóm tắt

Khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới là mô hình khu kinh tế cửa khẩu đặc biệt, liên kết hai quốc gia, tạo ra vùng lãnh thổ đặc thù. Bài viết làm rõ hơn về khái niệm của mô hình khu kinh tế xuyên biên giới, vai trò của việc hình thành khu kinh tế xuyên biên giới với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như quốc gia, điều kiện để hình thành khu kinh tế xuyên biên giới và những đặc điểm lưu ý khi hình thành khu kinh tế xuyên biên giới.

Từ khóa: khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới.

* Nguyễn Tuấn Anh, ThS., Bộ Quốc Phòng.

Tạp chí mới nhất



Tạp chí xem nhiều nhất