Số 82, Tháng 5+6/2017
Tạp chí Quản lý kinh tế

Số 82, Tháng 5+6/2017

14/08/2017 - 12204 lượt xem

Tạp chí Quản lý kinh tế Số 82, Tháng 5+6/2017

STT

Tên bài

Tác giả

Trang

 

NGHIÊN CỨU - TRAO ĐỔI

 

 

1

Tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội tới ô nhiễm môi trường và các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường ở Việt Nam

NGUYỄN MẠNH HẢI, NGUYỄN HOÀNG ANH

3

2

Đẩy mạnh tích tụ vốn tại doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chế biến, chế tạo nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành

LÊ DUY BÌNH

14

3

Sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam: Những rào cản phát triển

TRẦN QUANG TUYẾN, VŨ VĂN HƯỞNG

27

 

KINH NGHIỆM THỰC TIỄN

 

 

4

Thông tin không đối xứng trên thị trường rau an toàn Hà Nội: Thực trạng và một vài khuyến nghị

ĐẶNG THỊ LỆ XUÂN

36

5

Xây dựng trung tâm logistics: Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

ĐẶNG THÀNH LÊ

43

6

Quản lý truyền thông đối với truyền hình trả tiền ở VTVcab: Bài học từ Singapore

HOÀNG NGỌC HUẤN

51

 

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

 

 

7

Bàn luận về nâng cao năng lực cạnh tranh cụm ngành cà phê ở Tây Nguyên

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG DUNG

61

8

Phát triển cụm ngành nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

NGUYỄN THỊ NGỌC HIỀN

72

 

1. TÁC ĐỘNG CỦA CÁC YẾU TỐ KINH TẾ - XÃ HỘI TỚI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM - Nguyễn Mạnh Hải và Nguyễn Hoàng Anh

Tóm tắt

Nền kinh tế của Việt Nam có chất lượng tăng trưởng chưa cao và quá trình phát triển kinh tế - xã hội kéo theo sự xuống cấp về mặt môi trường với tốc độ khá lớn. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy các yếu tố kinh tế - xã hội chính ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường bao gồm: (i) tốc độ tăng trưởng kinh tế; (ii) năng suất lao động và trình độ công nghệ; (iii) mức độ tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng của nền kinh tế; (iv) quy mô dân số và cơ cấu dân số; (v) lối sống của dân cư; và (vi) phong tục tập quán của dân cư. Ô nhiễm môi trường một khi đã xảy ra thường khó khắc phục và chi phí tốn kém. Vì vậy, các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm là hết sức cần thiết. Một số giải pháp quan trọng nhất bao gồm: (i) tái cấu trúc nền kinh tế; (ii) phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quy hoạch và thu hút đầu tư nước ngoài; (iii) phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong sản xuất và cung cấp dịch vụ, thường xuyên theo dõi, kiểm tra và giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao; (iv) phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong tiêu dùng và thay đổi lối sống: tuyên truyền và khuyến khích xu hướng tiêu dùng hợp lý, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, thay đổi hành vi tiêu dùng của cả ba khu vực tiêu dùng trong xã hội là khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân cư.

2. ĐẨY MẠNH TÍCH TỤ VỐN TẠI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA NGÀNH CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO NHẰM CẢI THIỆN NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH - Lê Duy Bình

Tóm tắt     

Công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp của Việt Nam. Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn có nhiều hạn chế. Hơn 98% các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Thiếu vốn, năng lực tích tụ vốn thấp là những cản trở hàng đầu đối với việc nâng cao trình độ công nghệ, cải tiến phương thức sản xuất kinh doanh, mức độ tinh vi trong hoạt động của doanh nghiệp, làm giảm khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Do vậy, đẩy nhanh quá trình tích tụ vốn là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Bài viết tập trung nghiên cứu những nội dung như hiện trạng của quá trình hình thành và tích tụ vốn chủ sở hữu, đặc điểm của quá trình tích tụ vốn chủ sở hữu và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ vốn chủ sở hữu tại các DNNVV trong ngành chế biến chế tạo. Bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích so sánh, phân tích tương quan trên cơ sở số liệu điều tra doanh nghiệp thường niên của Tổng Cục Thống kê.

3. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KHU VỰC DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TRONG NƯỚC Ở VIỆT NAM: NHỮNG RÀO CẢN PHÁT TRIỂN - Trần Quang Tuyến và Vũ Văn Hưởng

Tóm tắt

Bài viết sử dụng dữ liệu điều tra các cuộc tổng điều tra doanh nghiệp trong thời kỳ 2001-2015 để chỉ ra thực trạng phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy trong quá trình thành lập và phát triển, khu vực tư nhân vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn như về vấn đề thiếu hụt vốn, sự hạn chế trong tiếp cận đất đai, máy móc, công nghệ, cơ hội thị trường và thông tin bởi tình trạng tham nhũng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn phải trả những chi phí phi chính thức trong quá trình vận hành. Vì vậy, để tạo ra một sân chơi bình đẳng và đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân, việc tiếp tục đổi mới chất lượng quản trị công, kiểm soát tham nhũng là cần thiết. Cụ thể, các thông tin về chính sách và thủ tục hành chính nên được minh bạch hóa, giúp doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành các thủ tục giấy tờ một cách nhanh chóng. Hơn nữa, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng cần được giải quyết thông qua việc phối kết hợp giữa chương trình đào tạo trong các trường đại học và nhu cầu của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo không có sự vênh trong quá trình đào tạo và thực tế công việc cần.

4. THÔNG TIN KHÔNG ĐỐI XỨNG TRÊN THỊ TRƯỜNG RAU AN TOÀN HÀ NỘI: THỰC TRẠNG VÀ MỘT VÀI KHUYẾN NGHỊ - Đặng Thị Lệ Xuân

Tóm tắt

Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được quan tâm nhiều như hiện nay. Rau xanh là thứ không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, là thứ nuôi sống con người nhưng hiện nay đôi khi lại trở thành kẻ giết người thầm lặng. Điều này khiến người tiêu dùng hoang mang. Đâu là nguyên nhân gốc rễ và đâu là giải pháp khả thi cho tình trạng này? Dưới góc độ kinh tế, bài viết hướng tới phân tích bản chất thông tin không đối xứng của thị trường rau an toàn, thực trạng của thị trường này tại Hà Nội và đưa ra một vài khuyến nghị để rau an toàn có mặt trong bữa cơm của mọi gia đình. Trong phạm vi bài viết, các giải pháp được gợi ý cho chính quyền các cấp, một đầu mối cung cấp và đảm bảo thông tin về rau an toàn cho người dân.

5. XÂY DỰNG TRUNG TÂM LOGISTICS: KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI - Đặng Thành Lê

Tóm tắt

Việt Nam là một quốc gia biển đang trong thời kỳ mở cửa, hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do đó phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng là một nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Với khoảng 3.260 km bờ biển, 112 cửa sông lạch, gần 50 cảng biển lớn nhỏ được phân bố đều trên cả 3 miền, Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển và dịch vụ cảng ở khu vực. Theo xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48/155 nước, hoạt động logistics tăng bình quân hàng năm từ 20 đến 25% (Vũ Thành Vũ, 2016). Để phát huy các tiềm năng và lợi thế cho phát triển hệ thống cảng biển ở nước ta cần có thêm các nghiên cứu về kinh nghiệm trong quy hoạch, xây dựng trung tâm logistics của một số quốc gia có dịch vụ logistics phát triển trên thế giới. Bài viết này sẽ chia sẻ với độc giả những kinh nghiệm của một số nước trong xây dựng các trung tâm logistic.

6. QUẢN LÝ TRUYỀN THÔNG ĐỐI VỚI TRUYỀN HÌNH TRẢ TIỀN Ở VTVCAB: BÀI HỌC TỪ SINGAPORE - Hoàng Ngọc Huấn

Tóm tắt

Truyền hình trả tiền là một dịch vụ truyền hình tồn tại theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Ở Việt Nam, việc quản lý đối với ngành truyền hình ngoài nhiệm vụ kinh tế còn có nhiệm vụ chính trị - xã hội đặc thù. Tuy nhiên, quản lý kinh tế nói chung và quản lý truyền thông nói riêng với truyền hình trả tiền ở Việt Nam cũng phải tuân theo những nguyên tắc của quản lý kinh tế hiện đại. Nghiên cứu này xem xét tình huống của quản lý truyền thông ở hai hãng truyền hình trả tiền của Singapore để đưa ra bài học kinh nghiệm đối với VTVcab nhằm hướng tới một quy trình quản lý truyền thông hiệu quả và hiện đại hơn.

7. BÀN LUẬN VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỤM NGÀNH CÀ PHÊ Ở TÂY NGUYÊN -Nguyễn Thị Phương Dung

Tóm tắt

Cà phê là sản phẩm có giá trị kinh tế cao và đã trở thành ngành hàng quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Mỗi năm, giá trị thương mại của cà phê đạt hàng tỷ đô là Mỹ, chỉ đứng sau các giao dịch dầu mỏ. Ở Việt Nam, cà phê được sản xuất chủ yếu ở Tây Nguyên, nhưng giá trị cà phê không cao do năng lực chế biến của doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê Tây Nguyên còn hạn chế do năng lực cạnh tranh yếu kém. Dựa trên mô hình kim cương của Michael Porter, bài viết tập trung phân tích các lợi thế cạnh tranh của cụm ngành cà phê Tây Nguyên dưới góc độ vĩ mô nhằm tìm ra các điểm mạnh, yếu; từ đó đưa ra các giải pháp phát huy năng lực cạnh tranh của cụm ngành cà phê Tây Nguyên.

8. PHÁT TRIỂN CỤM NGÀNH NHẰM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH DỆT MAY KHI THAM GIA CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO THẾ HỆ MỚI - Nguyễn Thị Ngọc Hiền

Tóm tắt

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, đặc biệt là tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi cam kết rộng, nhiều cam kết về thể chế… cao hơn so với các hiệp định khác mà Việt Nam đã tham gia. Trong bối cảnh đó, ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng có nhiều cơ hội, tuy nhiên cũng sẽ tạo ra nhiều thách thức cho ngành. Vì vậy nâng cao lực cạnh tranh cho ngành dệt may thông qua phát triển và liên kết cụm ngành dệt may là một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc liên kết và phát triển cụm ngành dệt may nước ta hiện nay vẫn còn mờ nhạt, lỏng lẻo. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để phát triển cụm ngành dệt may nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành khi tham gia các FTA thế hệ mới.

Tạp chí mới nhất



Tạp chí xem nhiều nhất