Dự án RCV
Dự án RCV

Tóm tắt về Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực  cạnh tranh Việt Nam (RCV)

Dự án ô Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (The Restructuring for a more Competitive Vietnam - RCV) được xây dựng nhằm hỗ trợ thực hiện một số nội dung trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 của Chính phủ Việt Nam. Các mục tiêu của Đề án tổng thể được RCV hỗ trợ gồm:

- Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

- Thúc đẩy năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập; và

- Nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và giảm tham nhũng.

Các kết quả dự kiến

Đến tháng 12 năm 2016, Dự án dự kiến đạt được các kết quả chính sau:

- Giảm các chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua);

- Nâng cao chất lượng và số lượng của các vụ việc do Cục Cạnh tranh Việt Nam xử lý;

- Các hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam nhằm tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo ở cấp quốc gia và trung ương; và

- Các đề xuất về chính sách ghi nhận trong các văn bản chiến lược của Đảng và Chính phủ liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, bao gồm tái cơ cấu kinh tế nông thôn.

Dự án ô sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu này thông qua ba dự án thành phần và một quỹ linh hoạt nhằm đáp ứng với các vấn đề ưu tiên cấp bách khác liên quan đến chương trình tái cơ cấu kinh tế. Ba dự án thành phần và kết quả dự kiến cụ thể như sau:

1. Nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) chủ trì thực hiện dự án thành phần này với các kết quả dự kiến đạt được như sau:

- Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp được Quốc hội thông qua (vào cuối năm 2014, với các quy định hướng dẫn thi hành chính sẽ được Chính phủ thông qua vào năm 2015);

- Báo cáo phân tích các khó khăn trong việc phát triển khu vực tư nhân và trong việc thực hiện các cam kết kinh tế quốc tế được trình Chính phủ Việt Nam (vào cuối năm 2015);

- Các báo cáo định kỳ theo quý và thường niên về những kết quả đạt được và các vấn đề còn tồn tại của MPER được Chính phủ sử dụng nhằm duy trì áp lực thực hiện MPER và để điều chỉnh các ưu tiên MPER nhằm đáp ứng được các thay đổi hoàn cảnh; và

- Ít nhất hai báo cáo phân tích có chất lượng về các ưu tiên kinh tế vĩ mô và các vấn đề phát triển kinh tế rộng hơn do MPI trình lãnh đạo cấp trung ương và được thảo luận rộng rãi trên truyền thông đại chúng (đến 2016).

2. Hoàn thiện việc thực thi chính sách cạnh tranh và phòng vệ thương mại

Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương  chủ trì thực hiện dự án thành phần này với các kết quả dự kiến đạt được như sau:

- Nâng cao cơ sở bằng chứng, thông tin và kĩ năng để thực thi các chính sách về cạnh tranh;

- Nâng cao các chính sách, hệ thống và sự hỗ trợ để giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hành vi bán phá giá và các biện pháp khắc phục thương mại khác; và

- Hệ thống cảnh báo sớm rộng lớn hơn đối với các vụ việc có thể xảy ra liên quan đến tự vệ thương mại.

3. Tái cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao giá trị gia tăng

Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện dự án thành phần này với các kết quả dự kiến đạt được như sau:

- Các phân tích và báo cáo góp phần vào việc tăng cường cơ cấu thể chế cho việc hợp tác trong chuỗi giá trị lúa gạo tại Đồng Tháp được các đại diện ủng hộ  trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị lúa gạo;

- Các báo cáo về các mô hình tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo (bao gồm các đề xuất cải cách đối với các chính sách bảo tồn đất canh tác lúa và các đề xuất cải cách để nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo xuất khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế) đệ trình lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD); và

- Đối thoại chính sách về các vấn đề liên quan đến việc tái cơ cấu chuỗi giá trị lúa gạo được phản ánh trên truyền thông đại chúng và trong nhận thức của cộng đồng về các lựa chọn chính sách và các vấn đề.

Thời gian và các cam kết về nguồn lực

Dự án ô thí điểm ban đầu sẽ được thực hiện từ từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 12 năm 2016. Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ cung cấp khoản tài chính giá trị 2.500.000 đô la Úc, trợ giúp kỹ thuật bao gồm giám sát/đánh giá và thiết kế giai đoạn mới 600.000 đô la Úc. Thông qua các cơ quan thực hiện của mình, Chính phủ Việt Nam sẽ cung cấp sự hỗ trợ bằng hiện vật ước tính trị giá 135.000 đô la Úc. Các đóng góp đáng kể về hiện vật (chủ yếu dưới dạng thời gian dành cho dự án ô) dự kiến sẽ đến từ khối tư nhân, cơ quan báo chí, các tổ chức doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cộng đồng nói chung.

Cách thức thực hiện và các đối tác chính

CIEM sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai toàn bộ Dự án ô. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bổ nhiệm Giám đốc Dự án ô (PD) để giám sát dự án ô. CIEM, VCA và IPSARD sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo Dự án ô đạt được các kết quả như đề xuất ở trên. Các cơ quan chủ quản dự án thành phần sẽ bổ nhiệm các Giám đốc dự án thành phần (CDs). CIEM sẽ chịu trách nhiệm quản lý và điều phối chung toàn bộ Dự án ô và chịu trách nhiệm triển khai Quỹ Linh hoạt nhằm đáp ứng kịp thời các vấn đề chính sách mới xuất hiện.

Ban Điều phối Dự án ô (PCC) sẽ được thành lập và họp ít nhất sáu tháng một lần để rà soát tiến độ và các vấn đề trong quá trình thực hiện. PD, CDs và đại diện Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ tham dự các cuộc họp của PCC. PD và Chính phủ Ô-xtrây-li-a có thể quyết định mời các quan sát viên khác (như đại diện của Nhóm tư vấn cao cấp (SAG), đại diện cơ quan của Quốc hội hoặc cơ quan của Đảng) nếu như nhận thấy sự tham gia này góp phần đạt được các mục tiêu của dự án.

Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ tham gia vào giai đoạn lập kế hoạch Dự án ô và vào việc đưa ra các quyết định mang tính chiến lược, bao gồm việc thông qua Tài liệu Hướng dẫn hoạt động (OM), nhân sự chính trong Văn phòng Điều phối Dự án ô (PCU) (bao gồm Điều phối dự án cao cấp-chuyên gia kinh tế (SPC-E), SAG, và các quyết định liên quan đến việc sử dụng Quỹ Linh hoạt).

SAG và Tư vấn Kỹ thuật cấp cao quốc tế (STA) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch, đối thoại chính sách, liên lạc và quản lý chất lượng của toàn bộ các hoạt động trong Dự án ô./.

Website: http://rcv.gov.vn/